Cơ khí Phổ Yên trả cổ tức tiền mặt cao gấp nhiều lần thị giá
Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên (mã cổ phiếu FBC – sàn UPCoM) thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện việc chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt vào ngày 25/9 tới đây. Ngày thực hiện thanh toán dự kiến là 27/10/2023.
Đáng chú ý, tỷ lệ chia cổ tức lên đến 120%/mệnh giá, tương đương cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu FBC sẽ được nhận 12.000 đồng cổ tức. Đây là mức cổ tức cao nhất kể từ khi cổ phiếu FBC chính thức được niêm yết và giao dịch trên sàn UPCoM vào tháng 10/2017. Trong khi đó, kết thúc ngày 22/9, thị giá cổ phiếu FBC chỉ ở mức 3.700 đồng/cổ phiếu. Như vậy, mức cổ tức của năm 2022 cao gấp 3,2 lần thị giá hiện tại của cổ phiếu này.
Với 3,7 triệu cổ phiếu đang được lưu hành trên thị trường, Cơ khí Phổ Yên sẽ cần chi hơn 44 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Lịch sử thanh toán cổ tức cho thấy Cơ khí Phổ Yên đều đặn thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ dao động từ 30% - 65%/năm, cao hơn đáng kể so với mặt bằng thị trường chung. Trong đó, mức cổ tức của năm 2020 và năm 2021 lần lượt là 50% và 65%/mệnh giá.
Thị giá của cổ phiếu FBC chỉ dao động từ 1.200 đồng – 3.700 đồng/cổ phiếu trong suốt 6 năm niêm yết vừa qua. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu Cơ khí Phổ Yên gần như không có, chỉ ghi nhận duy nhất 02 lần phát sinh giao dịch với thanh khoản đạt 215.000 đơn vị vào ngày 01/11/2018 và 200 đơn vị vào ngày 02/5/2022.
Nguyên nhân có thể đến từ việc cơ cấu cổ đông của Cơ khí Phổ Yên rất cô đặc. Tính đến cuối tháng 6/2023, Cơ khí Phổ Yên có 04 cổ đông lớn, gồm: Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã cổ phiếu VEA - sàn UPCoM) sở hữu 51%; ông Hoàng Công Toán - Thành viên HĐQT sở hữu 13.74%, ông Hà Thế Dũng sở hữu 6,9% và ông Vương Quốc Chinh nắm 6,04%. Ngoài ra, ông Nguyễn Việt Bắc sở hữu 1,38% vốn cổ phần Cơ khí Phổ Yên. Như vậy, lượng cổ phiếu trôi nổi của Cơ khí Phổ Yên chỉ ở mức 20,91%.
Đồng thời, mức cổ tức bằng tiền mặt đều đặn hàng năm cao gấp nhiều lần thị giá càng khiến các cổ đông hiện tại của Cơ khí Phổ Yên có xu hướng nắm giữ để hưởng cổ tức.
Đối tác của nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam
Cơ khí Phổ Yên tiền thân là Nhà máy Vòng bi, được thành lập vào năm 1974. Doanh nghiệp này hiện là một trong các doanh nghiệp dẫn đầu về gia công cơ khí chính xác với các sản phẩm chính là các loại vòng bi, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô, phụ tùng cho ngành xây dựng… Một số khách hàng lớn của Cơ khí Phổ Yên là Honda Việt Nam, Yamaha, Suzuki, Hanwa, Nippo, Piaggio, Panasonic, …
Xét về hoạt động kinh doanh, trong năm 2022, Cơ khí Phổ Yên ghi nhận doanh thu đạt 1.310 tỷ đồng và lãi ròng đạt 66 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 95% so với mức thực hiện của năm 2021. Đây đều là những mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, cổ đông Cơ khí Phổ Yên đã thông qua mục tiêu doanh thu và lãi ròng năm 2023 lần lượt ở mức 1.138 tỷ đồng và 60,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và giảm 9% so với mức thực hiện của năm 2022.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Cơ khí Phổ Yên, kế hoạch kinh doanh năm nay được xây dựng ở mức độ thận trọng do xung đột quân sự Nga – Ukraine diễn biến phức tạp khiến giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, thép, nhôm, đồng có thể neo cao.
Đồng thời, việc đồng Yên Nhật giảm giá mạnh khiến nhiều khách hàng Nhật Bản yêu cầu giảm giá hàng xuất bán, thậm chí xem xét việc chuyển sản xuất về Nhật Bản. Cơ khí Phổ Yên cũng dự báo nhóm sản phẩm phụ tùng xe máy trong năm 2023 giảm khoảng 15% so với năm 2022 do thay đổi chính sách bán hàng của các khách hàng, nhất là nhóm khách hàng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản.