Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts cho thấy mức giá cước vận chuyển container trên tuyến từ Đông Nam Á đi Bờ Tây Hoa Kỳ trong tuần trước tiếp tục được giữ ở mức 8.000 USD – 15.000 USD/FEU (1 container loại 40 fee), mức giá này chưa bao gồm các loại phụ phí. Trong khi đó, mức cước vận chuyển trên tuyến từ Đông Nam Á đến Bờ Đông Hoa Kỳ đạt từ 13.000 USD – 20.000 USD/FEU.
Đối với tuyến từ Trung Quốc đến Bờ Tây Hoa Kỳ, giá cước vận chuyển dao động trong khoảng 8.000 USD – 10.000 USD/FEU, mức giá này chưa bao gồm các loại phụ phí. Một số ít lô hàng được vận chuyển bằng tàu cỡ nhỏ ghi nhận mức cước giảm xuống mức còn 7.800 USD/FEU.
Trong khi đó, mức cước vận chuyển trên tuyến từ Trung Quốc đến Bờ Đông Hoa Kỳ đạt từ 11.000 USD – 18.000 USD/FEU.
Hãng S&P Global Platts dẫn lời một đơn vị môi giới vận chuyển tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết các loại tàu chở hàng rời thường chào giá vận chuyển thấp hơn so với các tàu chuyên chở container; đồng thời, giá cước vận chuyển của các hãng tàu lớn có mức giá cao hơn các hãng tàu khác do kỳ vọng dịch vụ vận chuyển của các đơn vị lớn sẽ tốt hơn.
Giá cước vận chuyển container trên các tuyến từ Đông Nam Á, Trung Quốc đi Bắc Mỹ đang có xu hướng ổn định trong những tuần gần đây. Hiện tại, các chủ hàng đang ngày càng lo ngại tình trạng tắc nghẽn sẽ khiến hàng hoá bị chuyển giao chậm, không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng trong mùa mua sắm cao điểm cuối năm. Trong khi đó, các chủ hàng vẫn đang phải trả giá cước vận chuyển ở mức cao kỷ lục.
Một hãng vận chuyển tại Hoa Kỳ cho biết “Các đơn vị vận chuyển hiện nhận ra rằng hàng hoá hiện chỉ được vận chuyển từ cảng đi sang cảng đến, hàng hoá rất khó để vận chuyển sâu vào trong nội địa. Do đó, các đơn vị vận chuyển sẽ không muốn trả mức giá cước cao hơn cho các hãng tàu nếu như không có cam kết về việc vận chuyển hàng hoá đúng hẹn”.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển cũng được kìm hãm bởi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua đã lần đầu tiên suy giảm trở lại kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi năm ngoái, kéo theo đó là sự sụt giảm về nhu cầu xuất khẩu hàng. Trung Quốc hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt điện năng nghiêm trọng nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Nhiều nhà máy tại nước này đã phải ngưng hoạt động hoặc giảm đáng kể công suất kể từ hồi tháng 9 đến nay.
S&P Global Platts dẫn lời một hãng môi giới vận chuyển tại Thái Lan cho biết “Rất nhiều nhà máy tại Trung Quốc đã phải huỷ lịch vận chuyển hàng của họ do sản xuất bị đình trệ. Nếu tình trạng này kéo dài thì giá cước vận tải có thể sẽ giảm xuống”.
Tuy nhiên, nếu tình trạng thiếu hụt năng lượng được Trung Quốc sớm giải quyết trong thời gian tới thì các nhà máy tại đây sẽ tăng cường sản xuất cho đến dịp Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1 năm sau, kéo theo đó là giá cước vận chuyển bật tăng trở lại.
Đối với tuyến vận chuyển từ Bắc Á đi Bắc Âu, giá cước vận chuyển trong tuần trước đạt 17.000 USD/FEU, giảm 250 USD/FEU so với một tuần trước đó. Chi phí vận chuyển của hầu hết các lô hàng trên tuyến từ Bắc Á đi Bắc Âu đều được tính dựa trên mức cước giao ngay áp dụng cho tất cả các loại hàng (Freight all Kinds, FAK) và không bao gồm các khoản phụ phí.