Một số hãng phân tích vừa cảnh báo tình trạng căng thẳng của các chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ còn kéo dài đến tận Quý 4/2022 thay vì kết thúc vào thời điểm Tết Nguyên đán của khu vực Châu Á trong tháng 2/2022 như một số dự báo lạc quan trước đây.
Hãng tư vấn vận tải biển Drewry (Anh) và hãng quản lý tàu biển Maritime Strategies International (MSI, Singapore) đều cho rằng các chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục đối mặt các rủi ro tắc nghẽn cho đến cuối năm sau và chi phí vận chuyển đường biển sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.
Drewry cho biết mặt dù có nhiều phân tích dự báo mức giá cước vận tải biển giao ngay vốn đang ở mức cao nhất lịch sử sẽ giảm xuống trong năm sau nhưng mức giá cước theo các hợp đồng dài hạn sẽ tiếp tục ở mức cao hơn đáng kể so với các năm trước đây. Do đó chi phí vận chuyển đường biển trên toàn cầu sẽ tăng khoảng 6% trong năm sau.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Daniel Richards thuộc MSI dự báo giá cước vận tải biển sẽ nhiều khả năng đi ngang hay vì giảm mạnh trong năm sau. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường sẽ cần nhiều thời gian để giải toả các tắc nghẽn và các nút thắt cổ chai trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, nhu cầu về container rỗng sẽ tiếp tục ở mức cao, theo nhà phân tích Daniel Richards.
Drewry cũng đã nâng dự báo triển vọng mức giá cước vận tải biển trên toàn cầu. Theo đó mức giá cước giao ngay và mức giá cước theo các hợp đồng dài hạn trong năm nay được dự báo tăng 126% so với năm 2020, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 47% được Drewry công bố hồi tháng 6 vừa qua.
Điều này sẽ giúp ngành vận tải biển trên toàn cầu ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục, đạt 150 tỷ USD trong năm nay, cao hơn 50% so với mức dự báo 100 tỷ USD trước đây. Drewry dự báo các hãng vận tải biển sẽ tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận tốt, thậm chí vượt mức năm nay do giá cước vận chuyển của các hợp đồng dài hạn được neo ở mức cao.
Dữ liệu cho thấy mức cước vận chuyển trung bình 1 container loại 20 feet (chưa bao gồm các phụ phí) trong quý 2 vừa qua của hãng tau Hapag-Lloyd (Đức) đạt 1.714 USD và của hãng tàu Maersk đạt 1.519 USD, cao hơn đáng kể so với mức thông thường. Chỉ số Xeneta Shipping Index (XSI), đo lường giá cước vận chuyển container theo các hợp đồng dài hạn trên toàn cầu, đã tăng 3,2% trong tháng 9 vừa qua và tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số XSI do hãng phân tích thị trường vận tải biển Xeneta AS (Na Uy) công bố.
Chỉ số XSI tháng 9/2021 cho thấy giá cước vận chuyển container theo các hợp đồng dài hạn trên các tuyến từ Châu Á đi Châu Âu đã tăng 3,9% lên mức cao kỷ lục mới và tăng 133% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số XSI trên các tuyến từ Châu Á đi Bắc Mỹ chỉ tăng nhẹ 0,6% và tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.