Vào lúc 11h30 sáng nay ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 tiếp tục tăng mạnh 1,15% lên 78,99 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2021 cũng tăng 1,20% lên 74,87 USD/thùng. Giá dầu thô đang hướng đến phiên tăng giá thứ 5 liên tiếp. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô thế giới đã xác lập tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp.
Đà tăng của giá dầu thô chủ yếu do tình trạng sụt giảm dự trữ dầu thô trên toàn cầu. Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng dự trữ dầu thô thương mại của Hoa Kỳ hiện đang thấp hơn so với mức trung bình mùa thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến 5%. Lượng dự trữ dầu thô thương mại của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện cũng thấp hơn 5% so với mức trung bình 5 năm giai đoạn 2015 – 2019.
Các dữ liệu khác cho thấy thị trường dự báo mức dự trữ dầu thô sẽ còn giảm xuống thấp hơn nữa. Đồng thời, việc giá khí tự nhiên tăng cao kỷ lục cũng khiến nhu cầu sử dụng dầu thô tăng lên nhằm thay thế việc sử dụng khí tự nhiên trong sản xuất điện năng.
Trong khi đó, nguồn cung dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ở mức thấp hơn thông thường khi một số cơ sở khai thác dầu quan trọng tại đây vẫn đang khắc phục các thiệt hại do siêu bão Ida gây ra hồi cuối tháng 8 vừa qua. Dự kiến, việc khắc phục thiệt hại này có thể kéo dài đến vài tháng. Sản lượng dầu thô từ Vịnh Mexico hiện chiếm khoảng 17% tổng sản lượng khai thác dầu của Hoa Kỳ.
Các thông tin khác cũng cho thấy một số quốc gia thành viên liên minh OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác do thiếu hụt đầu tư vào lĩnh vực dầu khí và việc bảo dưỡng các cơ sở khai thác bị đình trệ do dịch bệnh kéo dài. Dự kiến liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 4/10 tới đây nhằm quyết định chính sách khai thác dầu thô trong những tháng cuối năm nay.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh như Nga, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Trong tháng 8 vừa qua, lượng nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ đã đạt mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây khi các nhà máy lọc hoá dầu tại nước này đẩy mạnh việc dự trữ dầu khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu được dự báo sẽ tăng cao trở lại. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới.
Trung Quốc vừa qua đã có hành động can thiệp chưa từng có vào thị trường dầu mỏ khi tổ chức bán ra hơn 7 triệu thùng dầu thô từ nguồn dự trữ dầu thô chiến lược của nước này vào cuối tuần trước. Hãng tin Reuters (Anh) cho biết đã có 4,43 triệu thùng dầu thô được đấu thầu thành công cho tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc PetroChina và hãng lọc hoá dầu tư nhân Hengli Petrochemical với mức giá đạt 65 USD và 70,50 USD/thùng cho các lô hàng khác nhau.
Đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc trong việc kìm giữ chi phí năng lượng trong bối cảnh chi phí sản xuất tại nước này đang tăng vọt và tình trạng thiếu điện tại nhiều tỉnh thành phía Nam nước này khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ. Trung Quốc không công bố chính xác lượng dự trữ dầu thô chiến lược của nước này. Giới quan sát ước tính lượng dự trữ dầu thô chiến lược của Trung Quốc đạt khoảng 340 triệu thùng và nước này có thể xả bán từ 33 triệu thùng đến 82,5 triệu thùng dầu thô từ lượng dự trữ dầu chiến lược.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định những nỗ lực này của Trung Quốc không có tác động quá lớn đến giá dầu thô trên thị trường khi lượng nhập khẩu dầu thô của nước này đạt trung bình 10 triệu thùng/ngày và nhu cầu sử dụng lên đến 14 triệu thùng/ngày.
Trong thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên tăng cường nhập dự trữ dầu thô, đặc biệt khi giá dầu thô Brent chạm đáy trong vòng 20 năm trở lại đây khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và cuộc chiến giá dầu giữa Ả-rập Xê-út và Nga nổ ra hồi tháng 4/2020.