Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho thấy giá khô đậu tương tại khu vực Nam Mỹ đang ở mức cao kỷ lục trong bối cảnh nhu cầu về đậu tương tại một số quốc gia tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Ấn Độ tăng lên. Trong khi đó, nguồn cung đậu tương từ Hoa Kỳ vẫn bị tắc nghẽn khi cảng xuất khẩu ngũ cốc chính của nước này New Orleans vẫn đang khắc phục các thiệt hại do siêu bão Ida gây ra hồi cuối tháng 8 vừa qua.
Cụ thể, giá khô đậu tương xuất khẩu giao tháng 10/2021 (giá FOB) tại khu vực sông Paraná River (hay còn gọi là Up River) của Argentina hiện cao hơn 35 USD/tấn ngắn (1 tấn ngắn tương đương 907 kg) so với giá khô đậu tương giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) trong những phiên giao dịch gần đây.
Tạpi Brazil, giá khô đậu tương xuất khẩu giao tháng 10/2021 (giá FOB) tại cảng Paranagua chênh cao hơn tới 49 USD/tấn ngắn so với giá khô đậu tương giao tháng 12/2021 trên sàn CBOT. Mức chênh lệch giá này cao hơn rất nhiều so với mức chênh khoảng 23 USD/tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu cũng cho thấy giá khô đậu tương Nam Mỹ có xu hướng neo ở mức cao xuyên suốt tháng 9 này.
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết nguồn cung khô đậu tương trên thị trường nội địa Argentina đang có xu hướng sụt giảm khi hoạt động ép dầu đậu tương của nước này trong tháng 8 vừa qua tiếp tục suy giảm, đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp.
Nguyên nhân chủ yếu do Argentina đã hạ tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học bắt buộc từ 10% xuống còn 5% khiến nhiều nhà máy ép dầu đậu tương tại nước này giảm công suất hoạt động hoặc thậm chí tạm thời ngưng sản xuất. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu khô đậu tương. Khô đậu tương là phụ phẩm của quá trình ép dầu đậu tương và được sử dụng rộng rãi trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các dữ liệu cho thấy nông dân tại Argentina và Brazil đang có xu hướng giảm bán ra đậu tương trên thị trường nội địa, khiến hoạt động ép dầu đậu tương gặp nhiều khó khăn hơn. Theo dữ liệu của S&P Global Platts, tính đến ngày 15/9, lượng đậu tương niên vụ 2020/2021 được nông dân tại Argentina bán ra chỉ đạt 95% so với cùng kỳ niên vụ cũ.
Dữ liệu của hãng tư vấn Safras & Mercado (Brazil) cho thấy lượng đậu tương được nông dân nước này bán ra kể từ đầu tháng 9 đến nay mới chỉ đạt 86% tổng lượng đậu tương được thu hoạch trong năm nay. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 98% trong cùng kỳ năm ngoái và so với mức 88,5% của trung bình 5 năm gần đây.
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu khô đậu tương và dầu đậu tương của Trung Quốc có thể tăng mạnh trong thời gian tới khi nước này vừa đóng cửa nhiều nhà máy ép dầu đậu tương nhằm tiết giảm năng lượng tiêu thụ. Tỷ lệ hoạt động của các nhà máy ép dầu đậu tương tại các tỉnh phía Đông Trung Quốc, khu vực có công suất ép dầu đậu tương lớn nhất nước này, đã giảm 40% trong tuần trước và dự kiến giảm 45% - 50% trong những tuần tiếp theo.
Xem báo cáo phân tích thị trường đậu tương của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.
Lượng tồn kho đậu tương và dầu đậu tương tại Trung Quốc tính đến tuần trước (19/09) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2021, lượng tồn kho khô đậu tương cũng giảm liên tục trong 4 tháng trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do lượng nhập khẩu mới cập cảng chậm lại nhưng nhu cầu sử dụng tăng mạnh khi nước này bước vào các dịp lễ lớn cuối năm. Giá dầu đậu tương trên thị trường nội địa Trung Quốc đã bắt đầu tăng lên do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Ấn Độ vừa qua đã giảm thuế nhập khẩu dầu thực vật nhằm kiềm chế đà tăng mạnh của giá dầu thực vật trên thị trường nội địa. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới.
Theo Công ty Cổ phần Saigon Futures, giá dầu đậu tương trên thị trường thế giới có thể tăng lên ít nhất trong tuần tới trong bối cảnh nguồn cung từ khu vực Nam Mỹ và Hoa Kỳ suy giảm nhưng nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng lên. Thị trường cũng đang tập trung quan sát quyết định của Chính phủ Hoa Kỳ về tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học; nếu tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học giảm thì sẽ tạo áp lực lên giá trong ngắn hạn.