Hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho biết giá quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc trong ngày 23/9 đạt 108,67 USD/tấn.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/9 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) tăng 3,9% lên mức 667 Nhân dân tệ tương đương 103,3 USD/tấn; trong phiên giao dịch, có lúc giá quặng sắt đã bật tăng lên mức 106,20 USD/tấn – mức cao nhất kể từ ngày 16/9 đến nay.
Như vậy, giá quặng sắt trên sàn DCE đã dứt mạch giảm giá kéo dài 9 phiên giao dịch liên tiếp sau khi hàng loạt địa phương tại Trung Quốc siết chặt quản lý hoạt động sản xuất thép, khiến triển vọng nhu cầu sử dụng quặng sắt rơi vào mức tiêu cực.
Giá quặng sắt trên thế giới còn chịu áp lực giảm mạnh khi giới đầu tư hoảng loạn trước rủi ro vỡ nợ của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thị trường nhà ở tại Trung Quốc vốn có quy mô tới 43.000 tỷ USD, kéo theo đó là các ảnh hưởng đến thị trường tài chính Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu. Nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng của Trung Quốc vốn chiếm từ 10% đến 29% tổng nhu cầu sử dụng thép trên toàn cầu.
Sự phục hồi của giá quặng sắt trong phiên giao dịch hôm qua chủ yếu nhờ tâm lý giới đầu tư dần bình tĩnh hơn sau khi tập đoàn Evergrande cho biết đã đạt được thoả thuận trả các khoản lãi trái phiếu đến hạn đối với lượng trái phiếu phát hành trên thị trường Trung Quốc lục địa. Thông báo này đã phần nào xoa dịu lo lắng của giới đầu tư trên toàn cầu và giúp giá nhiều loại hàng hoá, nguyên liệu thô bao gồm cả quặng sắt phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, khoản tiền lãi nói trên chỉ chiếm một phần nhỏ trong khối nợ lên tới 300 tỷ USD của tập đoàn này. Tờ Wall Street Journal dẫn lời các nguồn tin cho biết giới chức Trung Quốc đang yêu cầu chính quyền các địa phương nước này chuẩn bị cho khả năng tập đoàn Evergrande phá sản, chuẩn bị các kịch bản ngăn chặn tình trạng bất ổn và thiệt hại đối với người mua nhà của tập đoàn này cũng như thiệt hại đối với nền kinh tế địa phương.
Nhiều nhà phân tích lo ngại sự sụp đổ của tập đoàn Evergrande có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như khi tập đoàn tài chính Lehman Brothers phá sản, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Hiện có hơn 1,5 triệu khách hàng tại Trung Quốc đã trả tiền mua nhà tại các dự án mà Evergrande chưa triển khai.
Trong khi đó, giá thép xây dựng giao tháng 1/2022 tại trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đã tăng ngày thứ 2 liên tiếp thêm 1,3%. Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nhận định việc Trung Quốc đẩy mạnh kiểm soát hoạt động sản xuất thép đang khiến thị trường lo ngại nguồn cung thép trong những tháng tới đây suy giảm, đẩy giá thép trên thị trường kỳ hạn tăng lên.