Báo cáo của Moody’s Investors Service đã điều chỉnh triển vọng thị trường kim loại và khai khoáng toàn cầu từ mức “tích cực” sang “ổn định” mặc dù giá các kim loại quan trọng như quặng sắt, thép, nhôm, nickel, đồng…. đang ở các mức giá cao kỷ lục.
Theo Moody’s Investors Service, đà tăng nóng của nhiều kim loại sẽ giảm dần mặc dù nhu cầu sử dụng kim loại và các sản phẩm khai khoáng nói chung sẽ vẫn ở mức cao. Moody’s Investors Service nhận định hầu hết giá các kim loại cơ bản sẽ duy trì giá ổn định trong cả năm 2022, sau khi đạt các mức giá kỷ lục trong năm nay.
Giá nhôm và đồng tiếp tục ở mức cao
Giá một số kim loại chủ chốt được dự báo sẽ vượt các mức giá cao kỷ lục trong trung hạn. Trong đó, nhôm – kim loại quan trọng đối với nhiều lĩnh vực công nghiệp được Moody’s Investors Service nhận định sẽ tiếp tục tăng giá cho đến ít nhất đầu năm 2022. Hồi giữa năm nay, giá nhôm đã vượt mức 1,18 USD/pound tương đương 2.600 USD/tấn – mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Kim loại đồng cũng được dự báo sẽ còn duy trì ở mức giá cao cho đến ít nhất cuối năm 2022. Moody’s Investors Service cảnh báo việc thiếu hụt nguồn cung đồng trong dài hạn sẽ tiếp tục giữ giá kim loại này ở mức cao so với mức giá trung bình 2,50 USD – 3,00 USD/pound như các năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Nhu cầu sử dụng đồng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi ngày càng nhiều quốc gia tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Trong khi đó, nhiều khu vực khai thác đồng lớn trên thế giới như Chile đối mặt với nhiều khó khăn trong việc nâng công suất khai thác.
Kể từ hồi tháng 2/2021 đến nay, giá kim loại đồng trên thị trường quốc tế liên tục được giữ trên mức 4,00 USD/pound tương đương 8.000 USD/tấn do nhu cầu sử dụng đồng hồi phục. Đầu tháng 5/2021, giá đồng đã chạm kỷ lục, lên tới gần 10.000 USD/tấn nhưng sau đó giảm trở lại khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc suy yếu dưới các tác động của biến chủng Covid-19 Delta, khiến lượng nhập khẩu đồng của nước này giảm xuống.
Mặc dù đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp trên toàn cầu nhìn chung vẫn ở mức tốt, theo Moody’s Investors Service. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), đo lường mức độ hoạt động của lĩnh vực sản xuất chế tạo, tại Hoa Kỳ, Châu Âu đều ở mức trên 60 điểm và tại Trung Quốc trên 50 điểm. Chỉ số PMI trên 50 điểm cho các hoạt động sản xuất công nghiệp được mở rộng và ngược lại.
Đà tăng nóng của nickel, kẽm, quặng sắt khó bền vững
Đà tăng mạnh của giá kim loại nickel trong nửa đầu năm nay được cảnh báo sẽ không bền vững trong năm 2022 nhưng giá kim loại này có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho ít nhất là tới đầu năm 2022. Trong tháng 8 vừa qua, giá nickel thế giới đã chạm mức 8,62 USD/pound tương đương 19.000 USD/tấn, tăng gần 40% so với mức trung bình 13.784 USD/tấn của năm 2020.
Giá nickel tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 và kỳ vọng việc gia tăng sản lượng xe điện sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng nickel. Tuy nhiên, sản lượng nickel đã phục hồi hoàn toàn về ngang bằng mức trước khi đại dịch xảy ra và dự kiến nguồn cung nickel sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Trong đó, nguồn cung gang nickel (NPI) được dự báo sẽ gia tăng mạnh trong những năm tới khi ngày càng nhiều cơ sở sản xuất NPI tại Indonesia đi vào hoạt động. NPI là nguyên liệu thay thế, có giá rẻ hơn nickel nguyên chất trong sản xuất thép không gỉ. Sự gia tăng nguồn cung NPI từ Indonesia sẽ bù đắt cho sự suy giảm sản lượng NPI của Trung Quốc do nước này đối mặt với tình trạng nguồn cung quặng nickel giảm và giá quặng tăng.
Giá kẽm cũng được Moody’s Investors Service dự báo sẽ giảm xuống trong dài hạn sau khi tăng mạnh vào giữa năm nay. Nguyên nhân chủ yếu do tăng trưởng sản lượng kẽm trong dài hạn vượt xa tăng trưởng nhu cầu về kim loại này. Thị trường kẽm thế giới hiện đang chuyển từ tình trạng thiếu hụt sang dư thừa nguồn cung, với sản lượng phục hồi tại các mỏ kẽm lớn của Peru, Mexico và Bolivia cùng các quốc gia khác.
Tuy nhiên, giá kẽm được nhận định sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm nay do nhu cầu sử dụng kẽm trong hoạt động sản xuất thép ở mức tốt và sản lượng kẽm từ Trung Quốc giảm.
Giá quặng sắt cũng được dự báo giảm mạnh về chỉ còn mức trung bình 70 USD – 80 USD/tấn sau năm 2022. Ngưỡng giá này tương đương như trong giai đoạn 2016 – 2019. Nguồn cung quặng sắt được đánh giá sẽ bùng nổ trong vòng 5 năm tới đây khi giá quặng sắt lên mức cao nhất lịch sử trong nửa đầu năm nay giúp nhiều hãng khai khoáng có mức lợi nhuận cao để tái đầu tư, mở rộng khai thác.
Moody’s Investors Service cũng cảnh báo tình trạng mất cân bằng cung cầu thép trên toàn cầu sẽ tái diễn trong năm 2022 khiến giá thép sẽ giảm dần về ngưỡng trung bình như các năm trước đây. Giá thép trên toàn cầu đã liên tục tăng cao bất thường trong nửa đầu năm nay do nhu cầu tăng đột biến và nguồn cung bị gián đoạn dưới các tác động của dịch bệnh.