Giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới tiếp tục bật tăng mạnh trong các phiên giao dịch đầu tuần này khi thị trường ngày càng lo ngại về đứt gãy nguồn cung từ Việt Nam và suy giảm sản lượng cà phê của Brazil. Trong phiên giao dịch ngày 20/9, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2021 trên Sàn giao dịch ICE Futures Europe đã tăng 1,3% lên mức 2.178 USD/tấn – mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, sương giá kể từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà phê, đặc biệt là sản lượng cà phê Arabica, của Brazil. Điều này khiến nhu cầu sử dụng cà phê Robusta tăng vọt. Với ưu thế về giá, cà phê Robusta được sử dụng phổ biến trong việc sản xuất cà phê hoà tan và trong việc pha trộn với nhiều loại cà phê khác.
Tuy nhiên, nguồn cung cà phê Robusta trên thị trường thế giới lại đối mặt nhiều rủi ro khi Việt Nam thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống đại dịch Covid-19.
Đồng thời, giá cước vận chuyển hàng hoá tăng vọt cùng với đó là sự thiếu hụt container rỗng khiến việc vận chuyển cà phê gặp nhiều khó khăn. Tất cả những điều này đã đẩy giá cà phê Robusta tăng hơn 52% kể từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu của Refinitiv. Tính riêng trong tháng 8 vừa qua, giá cà phê Robusta đã tăng hơn 13% - mức tăng theo tháng cao nhất kể từ hồi đầu năm 2014 đến nay.
Giới phân tích nhận định lượng cà phê Robusta xuất khẩu của Brazil có thể sẽ suy giảm trong thời gian tới khi phần lớn sản lượng cà phê Robusta của nước này chủ yếu sẽ để phục vụ nhu cầu nội địa. Nhu cầu sử dụng cà phê Robusta tại Brazil đang tăng mạnh khi các hãng rang xay cà phê có xu hướng chuyển qua sử dụng cà phê Robusta thay cho cà phê Arabica nhằm tiết giảm chi phí. Giá cà phê Robusta xuất khẩu của Brazil hiện cao hơn tới 500 USD/tấn so với mức giá cà phê Robusta niêm yết trên Sàn giao dịch ICE Futures Europe.
Tuy nhiên, hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions nhận định đà tăng giá mạnh của cà phê có thể sẽ sớm chấm dứt khi Việt Nam đang dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội giúp khôi phục trở lại nguồn cung cà phê Robusta. Đồng thời, tình trạng thời tiết cực đoan khó tiếp diễn trở lại tại Brazil cũng giúp cải thiện hoạt động canh tác cà phê tại nước này. Điều này cho phép tương quan cung – cầu cà phê trên thế giới sẽ cân bằng trở lại trong niên vụ 2022/2023.