Trong ngày 22/9, chỉ số giá LNG JKM, đo lường biến động giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao ngay tại khu vực Châu Á, đã đạt 27,27 USD/MMBtu, gấp gần 6 lần so với mức giá 4,78 USD/MMBtu hồi cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá khí đốt Dutch TTF, đo lường biến động giá khí đốt tại Châu Âu, cũng đạt mức 68,58 EUR/MWh (tương đương 23,59 USD/MMBtu), tăng hơn 6 lần so với mức 11,40 EUR/MWh vào thời điểm này năm ngoái.
Điều này đang khiến nhiều quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng năng lượng. Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) vừa cho biết phải tăng giá điện kể từ ngày 1/10 tới đây để bù đắp chi phí khi giá khí LNG cũng như giá các nguồn nhiên liệu đầu vào khác tăng cao. Đây là lần đầu tiên trong 8 năm trở lại đây, KEPCO tăng giá điện và tập đoàn này cho biết phải hành động bất chấp những lo ngại về làm phát đối với nền kinh tế Hàn Quốc, vốn đang bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, các hãng cung cấp năng lượng lớn nhất tại Anh đang yêu cầu chính phủ phải có gói cứu trợ khẩn cấp trị giá hàng tỷ bảng Anh để đảm bảo nguồn cung năng lượng khi giá khí đốt tăng kỷ lục. Dự kiến nhiều nhà cung cấp năng lượng tại nước này sẽ phải ngưng hoạt động trong những tuần tới do chi phí tăng cao.
Tại Nhật Bản, một số nhà máy điện khí cho biết có thể cân nhắc giới hạn công suất hoạt động với mức giá khí đốt cao như hiện nay và một số nhà máy trong các lĩnh vực công nghiệp khác như luyện kim, gốm sứ… cũng cho biết có thể ngưng việc vận hành các tổ máy phát điện chạy bằng khí LNG.
Phát biểu tại hội nghị Gastech 2021, Giám đốc Marketing E.S Ranganathan của tập đoàn kinh doanh khí đốt quốc doanh Ấn Độ GAIL đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm ổn định lại giá khí LNG nhằm tránh các ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn. Gastech là hội nghị thường niên lớn nhất thế giới giữa các hãng khai thác và khách hàng sử dụng khí đốt trên toàn cầu.
Hiện tại nhiều quốc gia đang cạnh tranh nhau để thu mua đủ lượng khí đốt cần thiết cho mùa đông tới đây. Lượng dự trữ khí đốt tại cả khu vực Châu Âu và Châu Á đang rơi xuống mức thấp kỷ lục sau khi nhu cầu sử dụng khí đốt để sản xuất điện năng phục vụ làm mát tăng vọt trong mùa hè vừa qua.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng khí đốt trên toàn cầu phục hồi nhanh và mạnh hơn các dự báo trước đây khi nhiều nền kinh tế tái mở cửa trở lại sau thời gian dài ngưng trệ vì đại dịch Covid-19. Dữ liệu từ hãng giao dịch năng lượng hàng đầu thế giới Vitol (Thuỵ Sĩ) cho thấy nhu cầu sử dụng khí LNG hiện đã vượt ngưỡng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Trong dài hạn, hãng Vitol dự báo nhu cầu sử dụng khí đốt sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới đây khi ngày càng nhiều nền kinh tế đẩy mạnh việc giảm nguồn cung năng lượng từ than và dầu thô. Giám đốc bộ phận LNG toàn cầu của tập đoàn BP (Anh) ông Jonty Shepard cho biết thị trường hiện cũng đang lo ngại về nguồn cung khí LNG trong trung hạn khi sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến các dự án khai thác mới bị đình trệ hoặc thậm chí bị huỷ bỏ.
Các chuyên gia nhận định giá khí LNG sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao trong những tháng tới đây trừ khi nhiệt độ mùa đông ở mức cao hơn nhiều so với các dự báo hiện tại khiến Trung Quốc và Nhật Bản xả bán một phần kho dự trữ khí đốt.
Việc giá khí LNG ở mức cao kỷ lục như hiện nay cũng đang thúc đẩy nhu cầu thu mua dầu nhiên liệu như dầu HSFO và dầu LSFO trên thị trường Châu Á nhằm thay thế một phần nhu cầu về khí LNG. Bangladesh và Pakistan đã tăng cường sử dụng dầu nhiên liệu HSFO để phát điện thay cho khí LNG kể từ hồi tháng 7 vừa qua nhằm giảm chi phí sản xuất điện.