Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho thấy giá dầu đậu nành FOB Up River giao tháng 6/2021 của Argentina trong cuối tuần trước đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử, đạt 1.364,22 USD/tấn – tăng 140,7% so với mức giá cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, giá dầu đậu nành FOB Paranagua giao tháng 6/2021 của Brazil cũng đạt mức cao nhất lịch sử, đạt 1.366,43 USD/tấn – tăng 138,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá dầu đậu nành tại Argentina và Brazil, hai quốc gia xuất khẩu đậu tương lớn hàng đầu thế giới, bật tăng mạnh sau khi giá dầu đậu nành giao tháng 7/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT, Hoa Kỳ) vượt mốc 66 US cents/pound (0,454 kg). Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đậu nành trên sàn CBOT đã tăng đến 60%, tiệm cận mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Đà tăng của giá dầu đậu nành trên thị trường quốc tế trong giai đoạn vừa qua chủ yếu do giá đậu tương liên tục tăng cao kết hợp với việc nguồn cung dầu đậu nành ở mức thấp và nhu cầu sử dụng dầu đậu nành đang tăng lên.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), lượng dầu đậu nành tồn trữ trên toàn cầu vào cuối niên vụ 2021/2022 sẽ chỉ đạt 4,09 triệu tấn, giảm so với mức 4,46 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dầu đậu nành tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đang có xu hướng phục hồi tăng mạnh trở lại sau dịch Covid-19.
USDA dự báo Argentina, quốc gia xuất khẩu dầu đậu nành lớn nhất thế giới, sẽ xuất khẩu được 6,25 triệu tấn dầu đậu nành trong niên vụ 2020/2021 và tăng lên mức 6,40 triệu tấn trong niên vụ 2021/2022. Trong khi đó, lượng dầu đậu nành xuất khẩu của Brazil trong niên vụ 2020/2021 được USDA dự báo sẽ đạt 1,28 triệu tấn và đạt 1,30 triệu tấn trong niên vụ tiếp theo.
Trong khi đó, lượng dầu đậu nành được Trung Quốc và Ấn Độ nhập khẩu trong niên vụ 2021/2022 được USDA dự báo sẽ đạt lần lượt là 1,18 triệu tấn (tăng 7,27%) và 3,73 triệu tấn (tăng 0,81%). Các dữ liệu hiện cho thấy lượng dầu đậu nành tồn trữ tại Trung Quốc đã xuống mức thấp kỷ lục.