Giá quặng sắt lao dốc
Sau nhiều ngày liên tục tăng và thiết lập đỉnh giá lịch sử, giá quặng sắt đã bất ngờ sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 13/5). Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 13/5, giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) đã giảm mạnh 7,5% xuống chỉ còn 1.217 NDT (khoảng 188,86 USD)/tấn; thậm chí, có lúc giá xuống chỉ còn 1.190 NDT – tương đương với mức giảm 9,5%. Qua đó, kết thúc 5 phiên tăng giá kỷ lục liên tiếp.
Giá các nguyên vật liệu khác phục vụ hoạt động sản xuất thép trên sàn DCE cũng sụt giảm mạnh theo giá quặng sắt. Trong đó, giá thân luyện cốc giảm 3,9% xuống còn 1.988 NDT/tấn; giá than cốc cũng giảm 3,9% xuống còn 2.729 USD/tấn.
Chỉ trong vòng 1 tuần tính đến phiên giao dịch ngày 12/5, giá quặng sắt trên sàn DCE đã tăng 23%, còn trong vòng một tháng tới thời điểm đó tăng 33% khi các doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt thu mua tích trữ khi giá thép tại nước này liên tục tăng cao và lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường quốc tế sẽ khiến giá quặng sắt còn tiếp tục tăng cao lên nữa.
Nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc đã tăng cao khi thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng diễn ra sôi động sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh các chính sách bảo vệ môi trường, buộc một số cơ sở sản xuất thép phải cắt giảm sản lượng và các hãng sản xuất thép phải sử dụng các loại quặng sắt chất lượng cao hơn.
Điều này đã khiến giá khiến giá thép tại Trung Quốc liên tục tăng mạnh, kích thích các hãng sản xuất thép nước này đẩy mạnh hơn nữa việc sản xuất và kéo theo đó là nhu cầu về nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc… tăng mạnh.
Trong khi đó, hàng loạt hãng khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới như Rio Tinto (Australia) và Vale (Brazil) đều công bố sản lượng khai thác sụt giảm trong quý 1 vừa qua. Đồng thời, thị trường lo ngại tình trạng bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng tại Ấn Độ sẽ khiến hoạt động xuất khẩu quặng sắt của nước này giảm xuống. Australia, Brazil và Ấn Độ hiện là những quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 12/5, giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hoá New York (NYMEX) đã đạt mức cao kỷ lục 237,57 USD/tấn do nhu cầu thu mua của Trung Quốc vượt nguồn cung. Nhưng nhiều chuyên gia phân tích đã cảnh báo giá quặng sắt có thể đang bị thổi phồng quá mức do tình trạng đầu cơ.
Dự báo giá sẽ tiếp tục giảm mạnh trong nửa cuối năm
Nhằm hạ nhiệt đà tăng quá nóng của giá quặng sắt cũng như giá thép trên thị trường Trung Quốc, trong ngày 10/5, các sàn giao dịch hàng hoá tại Trung Quốc đã nâng mức giới hạn giao dịch cũng như siết chặt các yêu cầu ký quỹ đối với các hợp đồng giao dịch quặng sắt tương lai cũng như khôi phục lại mức phí đối với hợp đồng giao dịch thép tương lai.
Trong tuần trước, Chính phủ Trung Quốc cũng đã huỷ bỏ việc hoàn thuế VAT 13% đối với nhiều sản phẩm thép xuất khẩu; đồng thời, hạ thuế nhập khẩu đối với sắt thép phế liệu, thép thô, gang thỏi, phôi thép xuống còn 0%. Các động thái này nhằm đảm bảo nguồn cung thép và tăng cường nguồn nguyên liệu sản xuất thép trong nội địa Trung Quốc.
Trong ngày 12/5, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp tiền tệ và các chính sách khác nhằm đảm bảo nền kinh tế nước này phát triển ổn định và đối phó với tình trạng giá các loại hàng hoá cơ bản tăng mạnh trong thời gian qua.
Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s cho biết việc giá quặng sắt có thể sụt giảm mạnh khỏi mức cao kỷ lục nhưng sẽ vẫn neo ở mức cao do tình trạng nguồn cung thấp sẽ kéo dài.
Ông Barbara Mattos, Phó chủ tịch cấp cao của Moody’s, cho biết “Việc giá quặng sắt tăng cao kỷ lục trong đầu năm nay thiếu các yếu tố bền vững nhưng các yếu tố cơ bản của thị trường vẫn hỗ trợ giá quặng sắt ở mức cao do tình trạng thiếu hụt nguồn cung và thiếu các dự án mở rộng khai thác lớn trong những năm tới. Trong khi đó, sự gia tăng nhu cầu sử dụng thép giúp giá quặng sắt tiếp tục duy trì ở mức tốt”.
Ông Ronnie Cecil, trưởng ban phân tích thị trường kim loại và khai khoáng của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Market Intelligence (Anh), nhận định giá quặng sắt sẽ ở mức trung bình 153 USD/tấn và thị trường quặng sắt vận chuyển qua đường biển sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt trong năm nay.
Ngân hàng ANZ (Australia) nhận định giá quặng sắt có thể sẽ giữ ở mức cao khoảng 215 USD/tấn trong ngắn hạn (ít hơn 3 tháng) và sau đó sẽ giảm mạnh vào nửa cuối năm nay, xuống chỉ còn 150 USD/tấn khi Trung Quốc dần siết chặt các biện pháp kích thích kinh tế. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành xây dựng của Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua ở mức thấp hơn dự báo cho thấy hoạt động xây dựng tại nước này đang bắt đầu hạ nhiệt, ngân hàng ANZ cho biết.