Một số thương nhân ngành thép quốc tế nhận định tác động đầu tiên của chính sách này là giá thép tại nhiều khu vực trên thế giới sẽ tăng lên. Tuy nhiên, những tác động lâu dài hơn của chính sách này trên thị trường thép quốc tế sẽ phụ thuộc vào mức độ sản lượng thép thực tế bị cắt giảm tại Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang siết chặt các biện pháp quản lý môi trường, bao gồm hạn chế sản xuất thép.
Bên cạnh đó, thị trường cũng cần tính toán thêm việc gia tăng xuất khẩu thép của các doanh nghiệp từ EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS), bù lại phần thép xuất khẩu bị thiếu hụt từ Trung Quốc.
Trước đó, nhiều nhà phân tích đã dự báo từ lâu về động thái Trung Quốc sẽ huỷ bỏ việc hoàn thuế VAT 13% đối với các sản phẩm thép xuất khẩu, gồm thép cuộn cán nóng, thép dây và thép thanh xây dựng nhằm hạn chế xuất khẩu khi nhu cầu sử dụng thép trên thị trường nội địa nước này liên tục tăng. Những đồn đoán này đã góp phần đẩy giá thép trên thị trường thế giới tăng lên trong thời gian qua. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu thép lớn nhất thế giới.
Giới phân tích nhận định chính sách xuất khẩu thép mới của Trung Quốc sẽ điều chỉnh phần nào dòng chảy thương mại thép trên toàn cầu. Trong đó, dự kiến việc xuất khẩu thép thanh và phôi thép sang thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á của các doanh nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ và CIS sẽ tăng lên trong bối cảnh giá sản phẩm thép tại các khu vực này đang ở mức tốt hơn so với khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải cùng với đó là sự thiếu hụt thép xuất khẩu từ Trung Quốc sau chính sách mới.
Một doanh nghiệp xuất khẩu thép tại Nga nhận định nếu dòng chảy thương mại thép tiếp tục đổ về khu vực Châu Á thì khu vực Bắc Phi sẽ xảy ra thiếu hụt một số sản phẩm thép như phôi thép và giá thép tại khu vực này sẽ tăng lên mức “rất cao”. Giá phôi thép tại khu vực Biển Đen hiện đã đạt 600 USD/tấn (giá FOB tại khu vực Biển Đen) trong tuần trước trong bối cảnh nhu cầu về phôi thép tại Trung Quốc và Đông Nam Á tăng cao.
Bên cạnh việc hoãn thuế VAT đối với thép xuất khẩu, Trung Quốc cũng hạ thuế nhập khẩu về 0% đối với sắt thép phế liệu, thép thô, gang thỏi, phôi thép. Điều này đã đẩy giá phôi thép tại khu vực Châu Á tăng vọt vào cuối tuần trước khi nhiều doanh nghiệp ngoài Trung Quốc tăng cường thu mua dự trữ phôi thép trước khi chính sách của Trung Quốc có hiệu lực.
Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts dẫn lời một hãng sản xuất thép thanh tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận định giá thép thanh trên thị trường quốc tế sẽ không tăng quá mạnh ngay lập tức, tăng thêm từ 10 USD – 20 USD/tấn do giá thép hiện đã ở mức cao. Tuy nhiên, giá thép sẽ duy trì xu hướng tăng lên, hãng sản xuất thép này cho biết.
Một thương nhân ngành thép tại Châu Âu cho biết hiện sản lượng thép tại Trung Quốc vẫn ở mức rất cao do đó trong ngắn hạn khó có khả năng Trung Quốc gia tăng nhập khẩu thép.
Trong khi đó, một thương nhân ngành thép khác cũng tại Châu Âu nhận định chính sách ngưng hoàn thuế VAT với các sản phẩm thép xuất khẩu của Trung Quốc là “con dao hai lưỡi”. Việc điều tiết giảm lượng thép xuất khẩu sẽ giúp tăng cung thép trên thị trường nội địa, qua đó đẩy giá thép cũng như giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép giảm xuống. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây ra tình trạng dư thừa thép trên thị trường Trung Quốc khi sản lượng thép của nước này vẫn ở mức cao.