Kể từ hồi tháng 6/2020 đến nay, giá đậu tương đã liên tục tăng cao khi nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh nhưng điều kiện thời tiết tại khu vực Nam Mỹ diễn ra bất lợi khiến sản lượng đậu tương ở giảm, cùng với đó là lượng tồn trữ đậu tương cuối niên vụ ở mức thấp.
Tại Brazil và Hoa Kỳ, hai quốc gia xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, giá thu mua đậu tương trên thị trường nội địa đều đạt mức cao kỷ lục. Cụ thể, giá đậu tương tại Brazil hiện đạt 163,43 Real/60 kg (tương đương 30,05 USD). Giá đậu tương giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT, Hoa Kỳ) giao dịch quanh mức 15 USD/giạ (27,2 kg), tăng 7 USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra việc giá ngô trên thị trường tăng ở mức cao kỷ lục cũng góp phần đẩy giá đậu tương lên cao do đậu tương có thể sử dụng thay thế ngô trong hoạt động chăn nuôi.
Theo IGC, việc giá đậu tương tăng cao sẽ thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích canh tác do đố sản lượng đậu tương trên toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 (tháng 10/2021 – tháng 9/2022) sẽ đạt mức cao kỷ lục 383 triệu tấn, tăng 6% so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng đậu tương của Hoa Kỳ và Brazil được dự báo sẽ đạt lần lượt 120,8 triệu tấn và 139 triệu tấn.
Tổng lượng đậu tương được giao dịch trên toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 cũng được IGC dự báo sẽ đạt 173,4 triệu tấn, tăng nhẹ so với niên vụ 2020/2021. IGC cũng cho biết ngay trong niên vụ 2020/2021 này, lượng đậu tương được giao dịch trên toàn cầu cũng sẽ đạt mức cao kỷ lục; nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thu mua của Trung Quốc tăng vọt.
IGC dự kiến lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu trong niên vụ 2020/2021 sẽ đạt 139 triệu tấn, chiếm 60% tổng lượng đậu tương được giao dịch trên toàn cầu. Giới phân tích hiện nhận định giá đậu tương sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi Trung Quốc đang tái đàn heo trở lại sau dịch tả lợn Châu Phi hồi năm 2019. Bên cạnh đó, ngành nhà hàng – khách sạn tại nhiều nơi trên thế giới đang phục hồi trở lại, kéo theo đó là nhu cầu cao hơn về thịt và thức ăn chăn nuôi như đậu tương.
Một số trang trại chăn nuôi tại Trung Quốc và Hoa Kỳ đã phải sử dụng lúa mì thay thế một phần đậu tương và ngô trong hoạt động chăn nuôi do giá lúa mì rẻ hơn. Đây được xem là giải pháp tạm thời do lúa mì không đảm bảo năng suất chăn nuôi. Giá đậu tương tăng cao sẽ đẩy giá thịt cũng như giá dầu thực vật tăng lên trong thời gian tới.
Một số chuyên gia nhận định giá đậu tương có thể hạ nhiệt trong vài tháng tới khi tình hình thời tiết tại Brazil trở nên thuận lợi hơn và diện tích canh tác tại Hoa Kỳ được mở rộng. Cụ thể, giá đậu tương giao tháng 7/2021 trên sàn CBOT có thể dao động từ 13,5 USD – 14,25 USD/giạ; và giá đậu tương giao tháng 10/2021 sẽ đạt từ 11,75 USD – 13,50 USD/giạ.