Giá dầu thô 10/8: Tiếp tục suy yếu, thị trường chờ đợi thông tin về lạm phát của Hoa Kỳ

Trong phiên giao dịch hôm nay ngày 10/8, giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm xuống, chịu áp lực từ thông tin cho thấy tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong tuần trước. Thị trường cũng thận trọng chờ công bố tình hình lạm phát trong tháng 7 của Hoa Kỳ.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày trở lại đây (Nguồn: Oil Price)

 

Vào lúc 15h00 chiều nay ngày 10/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tiếp tục giảm 0,89% xuống mức 95,64 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 giảm 0,98% xuống còn 89,61 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 9/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giảm nhẹ 0,4% xuống mức 96,31 USD/thùng và giá dầu thô WTI giảm 0,3% xuống 90,50 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, đã có lúc hai loại dầu thô này giảm hơn 1 USD/thùng.

Chuyên gia phân tích thị trường Leon Li thuộc hãng dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) cho biết giá dầu thô trên thị trường quốc tế đang có dấu hiệu suy yếu. Bên cạnh đó, thị trường hiện đang bị chi phối bởi các lo ngại về dữ liệu lạm phát của Hoa Kỳ trong tháng 7.

Dữ liệu chính thức về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ được công bố vào chiều tối hôm nay (theo giờ Việt Nam). Hiện nhiều nhà phân tích kỳ vọng lạm phát tại Hoa Kỳ sẽ giảm nhẹ nhờ giá nhiên liệu đã giảm nhiệt.

Một cuộc khảo sát của Dow Jones cho thấy giới phân tích dự báo CPI tháng 7 của Hoa Kỳ tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 6, chỉ số này tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu CPI tháng 7 sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định lãi suất chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong cuộc họp tháng 9. Một số chuyên gia cảnh báo ngay cả khi chỉ số CPI của Hoa Kỳ có dấu hiệu tạo đỉnh thì cũng loại trừ khả năng FED sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản thêm một số đợt nữa, điều này sẽ tác động lớn đến các hoạt động kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, giá dầu thô hiện còn chịu tác động tiêu cực từ thông tin của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng mạnh 2,2 triệu  thùng. Trước đó, giới phân tích dự báo lượng tồn trữ dầu thô này sẽ chỉ tăng nhẹ khoảng 100.000 thùng. Dữ liệu chính thức sẽ được Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công bố vào chiều tối nay (theo giờ Việt Nam).

Hiện áp lực giảm lên giá dầu thô được kìm hãm phần nào nhờ nguồn cung trên thị trường vẫn ở mức căng thẳng. Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Edward Moya thuộc hãng môi giới tài chính OANDA (Hoa Kỳ) cho biết “Bất kể sự suy yếu nhu cầu sử dụng dầu thô nào xuất phát từ tình trạng nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể kéo giá dầu xuống thấp hơn quá nhiều khi dự báo nguồn cung trên thị trường sẽ vẫn còn tiếp tục ở mức thấp”.

Hiện thị trường cũng đang theo dõi tiến trình đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trên thế giới. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU đã đưa ra văn bản “cuối cùng” tại các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran. Quan chức EU nhấn mạnh giờ đây quyết định thuộc về các nước có liên quan trong thoả thuận và kỳ vọng quyết định cuối cùng về thoả thuận hạt nhân sẽ đạt được trong “chỉ vài tuần tới”.

Hãng thông tấn Iran (IRNA) dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Iran cho biết phía Iran đã xem xét và phản hồi ngay về nội dung văn bản EU sau khi nhận được. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện, Iran sẽ bổ sung đánh giá và quan điểm sau.

Tường Vy