Vào lúc 10h00 sáng nay ngày 19/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 giao dịch quanh mức 96,33 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 đạt 90,24 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng mạnh 3,1% lên 96,59 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng tăng 2,7% lên 90,50 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày 17/8, giá hai loại dầu thô này đã tăng hơn 1%.
Sau các thông tin tích cực về tình hình dự trữ dầu thô và nhiên liệu tại Hoa Kỳ, đà tăng của giá dầu thô tiếp tục được hỗ trợ nhờ tình hình khả quan của thị trường lao động Hoa Kỳ. Dữ liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này đã giảm xuống trong tuần trước và ở mức thấp hơn so với các dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó.
Số người thất nghiệp giảm kết hợp với sản lượng công nghiệp đã tăng mạnh và mức tăng trưởng doanh số bán lẻ tương đối ổn trong tháng 7 đã giúp giới đầu tư bớt lo ngại hơn về rủi ro suy thoái kinh tế.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Edward Moya thuộc hãng môi giới tài chính OANDA (Hoa Kỳ) cho biết “Giá dầu thô đã tăng lên nhờ các dữ liệu ấn tượng về nền kinh tế Hoa Kỳ đã giúp cải thiện triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô, thúc đẩy sự lạc quan trên thị trường”. Ông Edward Moya cũng cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang có những động thái cho thấy sẽ ngăn giá dầu thô sụt giảm sâu hơn nữa từ mức hiện tại.
Tân Tổng thư ký OPEC ông Haitham Al Ghais đã nhấn mạnh giới chính trị gia và tình trạng thiếu hụt đầu từ vào lĩnh vực dầu khí là nguyên nhân chính khiến giá năng lượng trên toàn cầu tăng vọt chứ không phải do việc OPEC chi phối nguồn cung dầu thô. Ông Haitham Al Ghais cũng cho biết OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô khác đã liên tục kêu gọi tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dầu khí trong thời gian vừa qua.
Ông Haitham Al Ghais cho biết, trong phiên họp vào tháng 9 tới đây, liên minh OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng hoặc gia tăng thêm sản lượng khai thác “tuỳ vào tình hình thực tế”. Liên minh OPEC+, bao gồm OPEC do Saudi Arabia đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Hiện giới phân tích nhận định việc lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực kể từ cuối năm nay sẽ khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn, đẩy giá năng lượng tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Hãng tư vấn tài chính BCA Research (Canada) nhận định lệnh cấm này có thể khiến sản lượng dầu thô của Nga giảm khoảng 1,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay và tăng lên mức 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô đang bị kìm hãm bởi lo ngại nguồn cung dầu thô từ Iran có thể tăng lên. Thị trường đang chờ đợi các thông tin mới về đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trên thế giới. Iran vừa phản hồi tới EU về văn bản “cuối cùng” tại các cuộc đàm phán, tuy nhiên hiện chưa có thông tin chi tiết về phản hồi này được công bố.
Bên cạnh đó, thị trường cũng lo ngại Trung Quốc có thể tiếp tục áp đặt các biện pháp phong toả diện rộng để kiểm soát đại dịch Covid-19, khiến nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này tiếp tục ở mức yếu.