Vào lúc 9h00 sáng nay (ngày 20/9, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11/2022 giao dịch quanh mức 91,94 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 đạt 85,59 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 19/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 11/2022 và giá dầu thô WTI giao tháng 10/2022 cùng tăng thêm 0,7%, lần lượt đạt 92 USD/thùng và 85,73 USD/thùng.
Giá dầu thô được nâng đỡ chủ yếu nhờ thông tin cho thấy sản lượng khai thác dầu thô thực tế của liên minh OPEC+ trong tháng 8 vừa qua thấp hơn tới 3,58 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đề ra. Trong tháng 7 trước đó, sản lượng khai thác thực tế của liên minh OPEC+ cũng thấp hơn mức mục tiêu 2,89 triệu thùng/ngày. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Ông Andrew Lipow, Chủ tịch hãng tư vấn thị trường dầu mỏ Lipow Oil Associates (Hoa Kỳ), cho biết “Các khảo sát chỉ ra rằng sản lượng khai thác dầu thô thực tế của liên minh OPEC+ hiện thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu đề ra. Điều này khiến thị trường nhận định liên minh OPEC+ sẽ không thể nâng sản lượng khai thác nếu như nhu cầu sử dụng trên thị trường tăng lên”.
Trong khi đó, giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Kuwait (KPC) vừa cho biết nhu cầu sử dùng dầu thô từ các khách hàng của tập đoàn này hiện vẫn không suy giảm bất chấp nhiều lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu thời gian tới. Kuwait hiện là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 8 thế giới với sản lượng khai thác hiện đạt 2,8 triệu thùng/ngày.
Đồng thời, thành phố Thành Đô với 21 triệu dân tại Trung Quốc đã chính thức dỡ bỏ lệnh phong toả sau hơn 2 tuần áp dụng. Điều này giúp thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt trong thời gian tới, giúp thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nước này trong quý 4 tới đây. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, giá dầu thô cũng đang chịu áp lực từ rủi ro kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong thời gian tới khi hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang siết chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh nhất trong 50 năm trở lại đây để kìm hãm lạm phá.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa nhận định các ngân hàng trung ương lớn sẽ nâng lãi suất cơ bản lên mức gần 4%/năm, gấp đôi mức trung bình năm ngoái, để giữ lạm phát lõi (đã loại bỏ giá năng lượng và giá thực phẩm) ở mức 5%. Thậm chí, lãi suất cơ bản có thể được các ngân hàng trung ương nâng lên mức gần 6% nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu, cho dù điều này sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva khuyến nghị các ngân hàng trung ương trên thế giới cần phải kiên nhẫn và cứng rắn hơn trong cuộc chiến chống lại lạm phát hiện nay nhằm tránh tình trạng lạm phát cao dai dẳng diễn ra, kéo theo đó là vòng xoáy tiền lương – giá cả tăng.
Hiện thị trường tập trung theo dõi các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) xoay quanh phiên họp chính sách dự kiến diễn ra vào ngày 21/9 (theo giờ địa phương). Thị trường nhận định FED sẽ phát tín hiệu cứng rắn hơn đối với cuộc chiến chống lạm phát hiện tại và sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm từ 0,75 đến 1 điểm phần trăm.