Giá dầu thô 25/4: Tăng nhẹ lên mức 83 USD, thị trường lạc quan khi người dân Trung Quốc gia tăng du lịch nước ngoài

Trong sáng nay ngày 25/4, giá dầu thô tăng nhẹ lên quanh mức 83 USD/thùng nhờ các thông tin tích cực về nhu cầu du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc, giúp gia tăng kỳ vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nước này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Giá dầu thô thế giới
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 82,97 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 79,01 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 24/4, giá dầu thô đã tăng hơn 1% khi thị trường lạc quan kỳ vọng nhu cầu di chuyển tăng mạnh của người dân Trung Quốc trong các dịp nghỉ lễ tới đây sẽ gia tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại nước này cũng như trong khu vực.

Dữ liệu cho thấy số lượng chuyến du lịch được người dân Trung Quốc đặt để đến các nước châu Á đang tiếp tục tăng lên trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, số lượng chuyến du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc hiện tại vẫn còn cách xa mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát do giá vé máy bay đường dài tăng vọt và không có đủ chuyến bay. Do đó, thị trường kỳ vọng khi ngành hàng không nước này giải quyết được tình trạng thiếu hút chuyến bay hiện tại sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động du lịch, kéo theo đó là nhu cầu nhiên liệu tăng lên.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô đang bị kìm hãm bởi tâm lý lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu nhiều khả năng sẽ đồng loạt nâng lãi suất trong tháng 5 tới đây để kiểm soát lạm phát. Chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt có thể khiến tăng trưởng kinh tế yếu hơn cũng như gia tăng rủi ro đối với thị trường tài chính trong thời gian tới, khiến triển vọng giá dầu thô trở nên tiêu cực hơn.

Lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn đã có xu hướng giảm xuống kể từ giữa năm 2022 khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh chưa từng có tiền lệ. Mặc dù vậy, tỷ lệ lạm phát, đặc biệt là lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng), vẫn cao gấp đôi so với mức trung bình trước năm 2021 và vượt xa so với mục tiêu của hầu hết các quốc gia.

Cụ thể, tại Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát toàn phần đang ở mức khoảng 7% với một số quốc gia thành viên là lên đến trên 15%, và lạm phát lõi toàn Eurozone ở mức cao kỷ lục 5,7%. Tại Hoa Kỳ, lạm phát toàn phần tăng 5% nhưng lạm phát lõi tăng tới 5,6%. Mức lạm phát mục tiêu trong trung hạn của FED và ECB đều là 2%.

Lạm phát lõi cao dai dẳng có thể buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài hơn, đủ lâu để xử lý triệt để rủi ro lạm phát.

Hiện thị trường chờ đợi các dữ liệu mới về nền kinh tế Hoa Kỳ, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP và lạm phát, dự kiến sẽ được công bố trong thời gian tới để đánh giá sát hơn định hướng chính sách tiền tệ của FED.

Thị trường cũng tập trung theo dõi dữ liệu về mức tồn trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ trong tuần trước. Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy giới phân tích dự báo lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm 1,7 triệu thùng. Dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố trong ngày 26/4 (theo giờ địa phương).

Tường Vy