Lạm phát trên toàn thế giới đã tăng mạnh trong thời gian qua khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 kết hợp với các tác động từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Dù các ngân hàng trung ương đã có những biện pháp mạnh mẽ và phối hợp để kiềm chế đà tăng giá bằng cách tăng lãi suất, siết chặt chính sách tiền tệ nhưng lạm phát ở nhiều nước vẫn đang neo cao. Tại Hoa Kỳ, lạm phát vẫn đang cao hơn nhiều so với mức mục 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đề ra.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện dự báo lạm phát trên toàn cầu trong năm nay sẽ ở mức 7% và sẽ giảm xuống còn 4,9% trong năm 2024. Ông Pierre-Olivier Gourinchas lưu ý lạm phát lõi trên toàn cầu chưa ghi nhận mức giảm đáng kể và tình trạng lạm phát lõi cao dai dẳng này có thể kéo dài đến cuối năm 2024, thậm chí sang năm 2025. Lạm phát lõi là sự biến động giá cả của các loại hàng hoá, dịch vụ nhưng không bao gồm giá lương thực, thực phẩm tươi sống và giá năng lượng vốn dễ biến động trong ngắn hạn.
Theo đó, lạm phát lõi cao dai dẳng có thể buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài hơn. Những động thái này sẽ gây thêm áp lực cho lĩnh vực tài chính trên quy mô toàn cầu. Thị trường tài chính quốc tế vốn đã chao đảo sau khi liên tiếp 3 ngân hàng của Hoa Kỳ phá sản, gồm Silicon Valley Bank, Signature Bank và Silvergate Bank trong tháng trước, và gần nhất là cuộc khủng hoảng của ngân hàng thương mại lớn thứ hai Thuỵ Sĩ - Credit Suisse.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas nhận định “sự can thiệp rất mạnh mẽ” của FED, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ và các cơ quan khác đã góp phần giải quyết những thách thức trước mắt sau khi sự sụp đổ của các ngân hàng diễn ra.
Nhưng, ông Pierre-Olivier Gourinchas cảnh báo vẫn còn nhiều thách thức tiềm ẩn, và có thể các định chế tài chính khác cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro do việc tăng lãi suất gây ra như trường hợp ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản. Điều này cho thấy những vấn đề tài chính phức tạp sẽ bùng phát nếu các ngân hàng trung ương duy trì lãi suất cao để chống lạm phát trong thời gian dài. Ngoài ra, các quốc gia không có công cụ tài khoá để kiểm soát lạm phát cũng có thể dễ bị tổn thương trước các biến động.
IMF cũng cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ chỉ đạt dưới 3%. Trong giai đoạn 5 năm tới đây, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ ở mức yếu, đạt trung bình khoảng 3%/năm, chủ yếu do tác động tiêu cực từ việc lãi suất tăng trên quy mô toàn cầu. Đây có thể là giai đoạn tăng trưởng thấp nhất trong hơn 30 năm qua, và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% mà nền kinh tế toàn cầu đạt được trong 20 năm gần nhất.