Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang đẩy mạnh mua vàng dự trữ với tổng mức mua ròng lên tới 125 tấn vàng trong 2 tháng đầu năm nay. Đây là mức mua vào mạnh nhất trong khoảng thời gian này kể từ các ngân hàng trung ương bắt đầu mua ròng vàng vào năm 2010. Tính đến tháng 2/2023, các ngân hàng trung ương đã mua vàng tháng thứ 7 liên tiếp.
WGC cho biết, các nước mua vàng nhiều nhất trong 2 tháng đầu năm nay là Singapore (51,4 tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (45,5 tấn), Trung Quốc (39,8 tấn), Nga (31,1 tấn), Ấn Độ (2,8 tấn). Đồng thời, rất ít ngân hàng trung ương trên thế giới giảm dự trữ vàng. Những nước bán ròng vàng trong 2 tháng vừa qua gồm: Kazakhstan, Uzbekistan, Croatia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, WGC nhấn mạnh lượng vàng được những nước này bán ra rất ít so với số lượng đã được mua vào trong 1 năm trở lại đây.
Dữ liệu mới nhất cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mua vào thêm khoảng 18 tấn vàng trong tháng 3 vừa qua. Qua đó, nâng tổng dự trữ vàng của Trung Quốc lên mức 2.068 tấn. Theo WGC, trong năm ngoái, các ngân hàng trung ương mua ròng 1.136 tấn vàng, con số cao kỷ lục từ trước đến nay.
Đáng chú ý, trong những nước mua ròng vàng lớn, có ba thành viên của khối các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS, gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Xét theo sức mua tương đương, lần đầu tiên tỷ trọng của các nước BRICS trong nền kinh tế toàn cầu đã vượt qua tỷ trọng của các quốc gia G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ).
Vàng được giới phân tích nhận định ngày càng đóng vai trò quan trọng trong một thế giới đa cực. Các quốc gia khối BRICS cần tăng dự trữ vàng để hỗ trợ đồng nội tệ của mình và đa dạng hoá dự trữ ngoại hối. Dự báo khối BRICS sẽ tiếp tục mua vàng dự trữ trong thời gian tới nhằm giảm hơn nữa sự phụ thuộc vào đồng USD.
Đồng USD vốn là đồng tiền dự trữ ngoại hối chủ chốt trên toàn cầu trong gần 100 năm qua. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều giao dịch thương mại quốc tế được thanh toán bằng các đồng tiền mới nổi, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Xu hướng phi đô la hóa đã đạt được động lực chú ý trong năm qua khi các nước phương Tây áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga vì cuộc xung đột quân sự tại Ukraine.
Một diễn biến đáng chú ý khác là các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng đón nhận dòng vốn ròng trong tháng 3 vừa qua sau khi bị rút ròng 10 tháng liên tiếp. Giới đầu tư đã bổ sung gần 28,34 tấn vàng vào các quỹ ETF vàng vật chất trong tháng 3. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ hồi tháng 3/2022. Dữ liệu của hãng tin Bloomberg cho thấy tổng lượng vàng được các quỹ ETF nắm giữ hiện đạt 2.642 tấn.
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế ảm đạm, lạm phát neo cao, lãi suất tăng, các rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu và căng thẳng địa chính trị leo thang, vàng nổi lên là kênh đầu tư trú ẩn an toàn, giúp giới đầu tư bảo toàn vốn. Giá vàng được dự báo có khả năng sẽ chạm hoặc vượt mức cao nhất lịch sử 2.069,40 USD/ounce - được xác lập trong năm 2020.
Một bộ phận thị trường nhận địnhmua vàng dự trữ là chiến lược đầu tư khôn ngoan vào thời điểm này khi các tín hiệu suy thoái đang dần xuất hiện. Theo hãng môi giới và đầu tư CLSA (Hồng Kông, Trung Quốc), trong 70 năm qua, mỗi khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) dừng tăng lãi suất sau một chu kỳ tăng, suy thoái kinh tế tại Hoa Kỳ thường xảy ra sau đó, với độ trễ trung bình là 6 tháng.
Hãng CLSA dự báo FED chỉ còn tiến hành một đợt tăng lãi suất nhỏ nữa trước khi dừng lại và đảo ngược chính sách. Dự báo, chu kỳ tăng lãi suất lần này của FED sẽ hoàn thành vào tháng 7/2023. Nếu dự báo trên là chính xác, Hoa Kỳ có thể suy thoái vào cuối quí 4/2023 và việc mua vàng dự trữ để phòng vệ rủi ro vào thời điểm này là hợp lý, theo hãng CLSA.
Ông Robert Minter, Giám đốc chiến lược đầu tư ETF của hãng đầu tư Abrdn (Anh), cho biết “Vàng là tài sản hưởng lợi lớn nhất trong một thế giới tiền tệ đa cực. Các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng dự trữ trong thời gian tới. Vị thế là ngoại tệ dự trữ hàng đầu của đồng USD sẽ chưa bị thay thế ngay. Tuy nhiên, các nước sẽ tiếp tục đa dạng hóa dự trự ngoái hối, giảm phụ thuộc vào đồng USD”.