Giá dầu thô hiện đã xác lập tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp, vượt ngưỡng 85 USD/thùng sau khi liên minh OPEC+ bất ngờ thông báo sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng dầu/ngày kể từ tháng 5/2023. Kể từ tháng 11/2022, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng khai thác 2 triệu thùng/ngày.
Như vậy, tổng sản lượng được các quốc gia thành viên liên minh này cắt giảm trong thời gian tới lên đến 3,66 triệu thùng tương đương 3,7% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu. Liên minh OPEC+ bao gồm 13 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và 10 quốc gia đồng minh do Nga đứng đầu.
Trước khi OPEC+ quyết định giảm thêm sản lượng khai thác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô năm nay cao hơn đến 2 triệu thùng/ngày so với năm 2022. IEA cũng cảnh báo nếu nguồn cung dầu không được cải thiện thì thị trường sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay.
Hiện nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đã đồng loạt nâng dự báo giá dầu thô trong năm nay có thể đạt trung bình 100 USD/thùng, thậm chí lên tới 110 USD/thùng trong mùa hè này khi nhu cầu di chuyển bằng xe ô tô tăng vọt.
Giới phân tích chỉ ra rằng việc giá dầu thô tăng cao trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến những nước nhập khẩu ròng dầu lớn như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các nền kinh tế đang phát triển mà không có nguồn cung dầu nội địa đủ lớn.
Ấn Độ
Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ năm và là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới. Số liệu của Chính phủ Ấn Độ cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 2/2023 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nước này đang mua được dầu thô từ Nga với giá chiết khấu cao trong bối cảnh các nước phương Tây ngưng nhập khẩu và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào dầu thô của Nga. Tuy nhiên, nền kinh tế Ấn Độ cũng đang bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng từ việc giá xăng dầu tăng cao. Khi giá mặt bằng chung trên thị trường tăng cao thì ngay cả dầu thô giá rẻ của Nga cũng sẽ khó còn có thể được giữ ở mức quá thấp.
Nhật Bản
Dầu thô được xem là nguồn năng lượng quan trọng nhất, chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung năng lượng của Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Nhật Bản hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 4 thế giới. Theo IEA, do sản lượng tự khai thác ở mức rất thấp, Nhật Bản gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu thô nhập khẩu, và khoảng 90% dầu thô được nước này nhập khẩu đến từ khu vực Trung Đông.
Vừa qua, Saudi Arabia đã tăng giá bán dầu thô giao tháng 5/2023 đối với các khách hàng khu vực châu Á. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, Saudi Arabia nâng giá bán đối với thị trường châu Á. Nguồn cung dầu thô từ Saudi Arabia hiện chiếm khoảng 41% tổng nguồn cung dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản.
Hàn Quốc
Tương tự Nhật Bản, dầu thô là nguồn cung ứng năng lượng lớn nhất của Hàn Quốc. Hàn Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 5 thế giới, khoảng 75% lượng dầu được nước này tiêu thụ là đến từ nguồn nhập khẩu. Nguồn cung dầu thô từ khu vực Trung Đông chiếm gần 60% tổng nguồn dầu nhập khẩu của Hàn Quốc.
Nếu nguồn cung dầu thô từ khu vực Trung Đông trở nên căng thẳng, các nhà máy lọc hoá dầu tại Hàn Quốc sẽ phải tìm các nguồn cung thay thế từ châu Phi và khu vực châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển đắt đỏ sẽ khiến chi phí nhập khẩu dầu của nước này tăng lên đáng kể.
Trong tuần trước, các nhà máy lọc hoá dầu tại Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm xuất khẩu dầu diesel nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa với dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nước này sẽ tăng đáng kể trong mùa hè tới đây. Với vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu xăng dầu lớn nhất khu vực châu Á, động thái này của Hàn Quốc sẽ khiến nguồn cung nhiên liệu trong khu vực trở nên căng thẳng hơn.
Một số nền kinh tế lớn khác trên thế giới cũng có mức độ phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu lớn như Italia (hơn 75%) và Trung Quốc (hơn 67%). Tuy nhiên, mức độ tác động của việc thắt chặt nguồn cung dầu từ khu vực Trung Đông đến các quốc gia này không quá nghiêm trọng nhờ sự đa dạng nguồn cung trong cơ cấu năng lượng.
Trong đó, đối với Trung Quốc, chỉ có 40% nguồn cung dầu thô nhập khẩu vào nước này đến từ khu vực Trung Đông. Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga. Đồng thời, cơ cấu nguồn cung năng lượng của Trung Quốc đa dạng, bao gồm than đá và khí đốt tự nhiên.
Các nền kinh tế đang phát triển
Giới phân tích chỉ ra rằng một số nền kinh tế đang phát triển như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Pakistan với nguồn dự trữ ngoại tệ thấp sẽ gặp thách thức lớn khi giá dầu thô tăng cao. Hồi giữa năm 2022, Sri Lanka đã rơi vào khủng hoảng thiếu nhiên liệu trầm trọng do không còn ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu như bình thường, và buộc chỉ phân phối nhiên liệu cho các hoạt động khẩn cấp, thiết yếu nhất. Căng thẳng nguồn cung nhiên liệu đối với Sri Lanka chỉ chấm dứt khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế phê duyệt gói cứu trợ trị giá gần 3 tỷ USD cho nước này vào ngày 20/3 vừa qua.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định trong trường hợp giá dầu thô tăng tới ngưỡng 100 USD/thùng thì mức giá này cũng không duy trì quá lâu do giá cao sẽ khuyến khích các hãng sản xuất gia tăng khai thác để thu lợi nhuận lớn hơn; đồng thời, giá cao sẽ khiến nhu cầu sử dụng suy yếu. Do đó, trong dài hạn, giá dầu thô có thể sẽ dao động quanh ngưỡng 80 - 90 USD/thùng.