Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa công bố Báo cáo Triển vọng thương mại toàn cầu với dự báo thương mại toàn cầu trong năm nay sẽ chỉ tăng 1,7%. Trong năm 2022, tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 2,7%. Các con số này cũng đều thấp hơn mức trung bình trong 12 năm trở lại đây.
Hồi tháng 10/2022, WTO dự báo thương mại toàn cầu năm 2022 sẽ đạt 3,5%. Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh các hoạt động giao thương trong quý 4/2022 đã kéo giảm tốc độ tăng trưởng cả năm. Một số yếu tố góp phần vào sự sụt giảm này gồm giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia chuyển sang trạng thái thắt chặt để đối phó với lạm phát, gián đoạn sản xuất và thương mại ở Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
WTO kỳ vọng thương mại toàn cầu trong năm nay sẽ được nâng đỡ nhờ việc Trung Quốc tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, giúp giải phóng nhu cầu tiêu dùng vốn bị kìm nén trong thời gian dài, góp phần thúc đẩy các hoạt động giao thương quốc tế. WTO dự báo tăng trưởng GDP thực trên toàn cầu (tính theo tỷ giá hối đoái hiện hành) là 2,4% trong năm 2023.
Nhà kinh tế trưởng của WTO Ralph Ossa cho biết, những tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng vốn là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại trong năm 2022, sẽ có thể tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2023. Việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế phát triển cũng khiến rủi ro đối với hệ thống ngân hàng tăng lên, kéo theo những rủi ro tài chính nghiêm trọng hơn nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Ông Ralph Ossa nhấn mạnh các chính phủ và cơ quan quản lý cần phải cảnh giác với những yếu tố này và các rủi ro tài chính khác trong thời gian tới.
WTO dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2024 sẽ tăng trở lại, đạt 3,2% khi GDP toàn cầu tăng 2,6% nhưng kịch bản này còn nhiều yếu tố không chắc chắn liên quan đến những căng thẳng địa chính trị, nguồn cung lương thực không ổn định và những cơ tiềm tàng chưa lường trước được của việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala khuyến cáo: “Thương mại tiếp tục là động lực giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi, nhưng hoạt động giao thương sẽ vẫn bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài trong năm 2023. Do đó, các quốc gia cần hành động nhất quán, tránh thực hiện các biện pháp gây ra sự phân mảnh và cản trở giao thương. Việc tăng cường hợp tác thương mại đa phương, như những gì các quốc gia thành viên WTO đã cam kết tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12) vào tháng 6/2022, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện thu nhập người dân trong dài hạn”.