Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ chỉ đạt dưới 3%. Trong giai đoạn 5 năm tới đây, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ ở mức yếu, đạt trung bình khoảng 3%/năm, chủ yếu do tác động tiêu cực từ việc lãi suất tăng trên quy mô toàn cầu. Đây có thể là giai đoạn tăng trưởng thấp nhất trong hơn 30 năm qua, và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% mà nền kinh tế toàn cầu đạt được trong 20 năm gần nhất.
Trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ước đạt 3,4%, giảm mạnh so với mức tăng 6,1% ghi nhận trong năm 2021 do xung đột quân sự Nga – Ukraine khiến tình trạng lạm phát lan rộng trên toàn cầu và làm trầm trọng thêm các đứt gãy chuỗi cung ứng vốn kéo dài từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Vừa qua, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một thập kỷ mất mát khi tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của thế giới giai đoạn 2022 – 2030 có thể chỉ đạt 2,2%/năm và các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng trong 30 năm qua đang suy yếu dần.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo khoảng 90% các nền kinh tế phát triển sẽ chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng trong năm 2023 trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt khiến lực cầu suy yếu. Các hoạt động kinh tế tại Hoa Kỳ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã và đang bị thu hẹp. Trong khi đó các căng thẳng địa chính trị như xung đột quân sự Nga – Ukraine, sự đối đầu giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhiều dòng vốn khác đang ngày càng bó hẹp trong các quốc gia hoặc khu vực kinh tế.
Đối với các quốc gia thu nhập thấp, bên cạnh vấn đề lãi suất cho vay tăng lên, nhu cầu đối hàng hoá xuất khẩu của những nền kinh tế này sẽ yếu đi.
Tuy nhiên, một số thị trường mới nổi, đặc biệt là tại khu vực châu Á, lại đang cho thấy sức chống chịu tốt và tiềm năng tăng trưởng. Trong đó, IMF dự báo Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đóng góp một nửa tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới trong năm nay.
Bà Kristalina Georgieva khuyến nghị các nền kinh tế cần tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát song hành với việc giữ các yếu tố tài chính ổn định, đặc biệt giám sát các rủi ro của các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, cũng như các lĩnh vực hiện có rủi ro cao như bất động sản thương mại.
Đồng thời, các quốc gia cần hợp tác với nhau để tránh tình trạng nền kinh tế toàn cầu bị phân mảnh vì các căng thẳng địa chính trị, và có các hành động để tăng sản lượng. Nếu các biện pháp được thực hiện đúng hướng, các nền kinh tế sẽ duy trì được động lực tăng trưởng kinh tế trong trung hạn.
Theo đánh giá của IMF, các biện pháp siết chặt hợp tác kinh tế, hạn chế giao thương có thể khiến GDP toàn cầu giảm tới 7%, tương đương tổng GDP của Đức và Nhật Bản, tức khoảng 7.000 tỷ USD.