Vào lúc 9h00 sáng nay (ngày 28/9, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2022 giảm 1,07% xuống 85,35 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2022 cũng giảm 1,01% xuống mức 77,71 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 27/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng mạnh 2,6% lên 86,27 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng tăng 2,3% lên 78,50 USD/thùng. Trong phiên giao dịch này, giá dầu thô được nâng đỡ đáng kể nhờ thông tin cơn bão Ian tại Hoa Kỳ khiến hàng loạt giàn khoan dầu thô tại khu vực Vịnh Mexico của Hoa Kỳ phải tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến khoảng 11% tổng sản lượng khai thác dầu của nước này.
Tuy nhiên, ông Bob Yawger - Giám đốc phụ trách thị trường năng lượng giao sau tại hãng chứng khoán Mizuho (Nhật Bản), nhận định giá dầu thô sẽ sớm mất lực đỡ khi tình trạng các giàn khoan phải ngưng hoạt động chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Tập đoàn dầu khí BP (Anh) cũng vừa cho biết đang bắt đầu tái triển khai nhân viên quay trở lại các giàn khoan trên khu vực Vịnh Mexico.
Giới phân tích nhận định giá dầu thô vẫn đang chịu áp lực giảm đáng kể khi rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng lớn và đồng USD đang ở mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Đồng USD tăng cao khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô như dầu thô vốn được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo trước đó do những hậu quả của cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.
Trong báo cáo kinh tế toàn cầu mới nhất, OECD vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ở mức 3% nhưng hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống còn 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,8% được đưa ra hồi tháng 6 vừa qua.
OECD hạ dự báo triển vọng tăng trưởng của gần như tất cả các quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Anh.
OECD cũng nâng dự báo lạm phát của khối G20 trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt ở mức 8,2% và 6,6%. Tổ chức này nhấn mạnh việc các quốc gia siết chặt chính sách tiền tệ là một “yếu tố chính khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc."
Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) vừa qua tiếp tục tăng lãi suất 75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp sẽ khiến Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đối mặt với rủi so suy thoái kinh tế lớn hơn. Động thái của FED cũng kích hoạt cuộc đua nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhằm thích nghi với bối cảnh mức lãi suất tại Hoa Kỳ hiện đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 15 năm. Qua đó, kết thúc kỷ nguyên tiền rẻ và sẽ khiến tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia suy giảm.
Hiện thị trường đang tập trung chờ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố các dữ liệu mới về mức tốn trữ dầu thô và các loại nhiên liệu tại Hoa Kỳ để đánh giá nhu cầu sử dụng tại đây.