Vào lúc 9h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 72,77 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 68,80 USD/thùng. Vào đầu phiên giao dịch, đã có lúc giá cả hai loại dầu thô mất gần 1,5%, chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 12/2021.
Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (3/5, theo giờ địa phương), giá dầu thô thế giới đã giảm 4% sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) thông báo tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, thêm 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 5% - 5,25%. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ tháng 8/2007 - thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra.
Lãi suất tăng cao khiến thị trường lo ngại rủi ro suy thoái đối với nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới.
Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu thô thế giới đã giảm hơn 10% do lo ngại về rủi ro suy thoái và các bất ổn trong hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, thị trường có dấu hiệu đang dần cân bằng trở lại khi giới đầu tư đánh giá kỹ thông báo của FED. Trong lần tăng này, FED đã không còn đưa ra các lập luận chính sách “cứng rắn” đối với vấn đề lạm phát. Thay vào đó, cơ quan này cho biết có thể tạm dừng việc siết chặt chính sách tiền tệ để có thời gian đánh giá tình hình kinh tế, lạm phát, các điều kiện trên thị trường tài chính cũng như vấn đề trần nợ công của Hoa Kỳ, qua đó xác định mức độ phù hợp của các chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Một số chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là lần cuối cùng FED tăng lãi suất của quá trình siết chặt chính sách tiền tệ diễn ra nhanh và mạnh nhất kể từ những năm 1980 đến nay.
Chuyên gia phân tích thị trường Phil Flynn thuộc hãng chứng khoán Price Futures Group nhận định “Việc FED phát tín hiệu có thể tạm dừng quá trình siết chặt chính sách tiền tệ sẽ là tin tích cực đối với triển vọng giá dầu thô. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu thị trường có chứng kiến thêm vụ sụp đổ ngân hàng nào nữa hay không?”.
Giới chức Hoa Kỳ hiện trấn an rằng hệ thống ngân hàng nước này vẫn an toàn và hiện không xuất hiện rủi ro hệ thống.
Hiện thị trường đang tập trung theo dõi kết quả từ cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra vào ngày 3/5 (theo giờ địa phương). Giới chuyên gia nhận định ECB nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất sau cuộc họp này trong bối cảnh lạm phát trong tháng 4/2023 tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 4 vừa qua đã bất ngờ tăng lên 7%, sau 5 tháng giảm liên tiếp và lạm phát lõi tại đây có dấu hiệu neo cao dai dẳng.