Vào lúc 14h00 chiều nay (ngày 6/2), giá dầu thô Brent giao tháng 3/2023 tăng nhẹ 0,3% lên 80,91 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 2/2023 tăng 0,2% lên 73,56 USD/thùng.
Trong tuần trước, giá dầu thô giảm gần 8%, xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần gần đây khi thị trường lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có thể siết chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Điều này có thể khiến Hoa Kỳ - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới đối mặt với rủi ro suy thoái cao hơn.
Hiện thị trường đang đánh giá tác động từ việc khối G7 và Liên minh châu Âu (EU) quyết định áp mức trần giá 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp từ dầu Nga như dầu diesel kể từ ngày 5/2. Đồng thời, EU cũng ngưng nhập khẩu hoàn toàn xăng tinh chế từ Nga. Trong một thời gian dài, Nga là nguồn cung cấp dầu diesel và xăng chủ chốt cho EU.
Trong một nhận định sơ bộ về tác động của biện pháp này, tập đoàn tài chính ANZ cho biết thị trường kỳ vọng các quốc gia nằm ngoài khối EU sẽ gia tăng nhập khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu Nga và gây ra các đứt gãy nhỏ trong nguồn cung của toàn thị trường.
Trong ngày 5/2, ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã một lần nữa khẳng định giá dầu thô trong thời gian tới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Đầu năm nay, IEA dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2023 sẽ đạt mức cao kỷ lục mới 101,7 triệu thùng/ngày. IEA nhấn mạnh gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô thế giới trong năm nay sẽ đến từ Trung Quốc.
Ông Fatih Birol cũng cho biết tuỳ thuộc vào mức độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô từ Trung Quốc, liên minh OPEC+ có thể sẽ xem xét lại quyết định cắt giảm sản lượng khai thác. Cuối tuần trước, liên minh OPEC+ khẳng định sẽ giữ nguyên chính sách cắt giảm 2 triệu thùng/ngày tương đương 2% tổng nhu cầu toàn cầu hiện nay cho đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ cân bằng cung – cầu trên thị trường. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.
Người đứng đầu IEA cũng đánh giá thị trường sẽ đối mặt với những khó khăn trong ngắn hạn khi các hoạt động thương mại dầu phải điều chỉnh theo hướng châu Âu sẽ gia tăng nhập khẩu sản phẩm nhiên liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và Hoa Kỳ. Hiện giá bán lẻ các loại xăng, dầu diesel tại châu Âu vẫn đang được giữ ổn định, chưa bị biến động mạnh từ quyết định ngưng nhập khẩu xăng Nga.