Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 75,67 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 71,06 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô giảm 1,3% và giá dầu thô WTI giảm tới 1,7%. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu mất hơn 3 USD/thùng trước thông tin Hoa Kỳ và Iran có thoả thuận về việc Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt để Iran tăng cường xuất khẩu dầu ra thị trường.
Tuy nhiên, sau đó cả đại diện của Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Iran đều lên tiếng cáo buộc thông tin trên là “sai sự thật và gây hiểu lầm”. Qua đó, giúp giá dầu thô phục hồi lại phần nào.
Thị trường hiện lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ ở mức yếu trong thời gian tới. Dữ liệu mới nhất cho thấy tồn trữ xăng dầu tại nước này trong tuần trước đã tăng mạnh hơn so với dự báo mặc dù thị trường đang bước vào mùa cao điểm sử dụng.
Mối lo ngại này đã lấn át kỳ vọng nguồn cung dầu thắt chặt hơn có thể nâng đỡ giá dầu thô. Cuối tuần trước, Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới đây. Mức cắt giảm này tương đương 10% tổng sản lượng khai thác dầu hiện tại của Saudi Arabia và khoảng 1% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.
Đồng thời, các quốc gia thành viên khác thuộc liên minh OPEC+ cũng cho biết sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác như hiện nay cho đến hết năm 2024, thay vì đến cuối năm nay như kế hoạch ban đầu. Tổng mức cắt giảm sản lượng khai thác hiện nay của liên minh OPEC+ tương đương 3,6% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Các dữ liệu mới nhất cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu, khiến triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trở nên kém tích cực hơn. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 5 vừa qua giảm tới 7,5% so với cùng kỳ năm trước, so với mức dự báo giảm 0,4% của giới phân tích. Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động ngoại thương của Trung Quốc tăng trưởng âm chủ yếu các nhà sản xuất nước này gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng ở nước ngoài và tiêu dùng trong nước vẫn đang trì trệ.
Bên cạnh vấn đề cung - cầu dầu, thị trường hiện đang tập trung quan sát các động thái liên quan đến chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) khi cơ quan này sắp nhóm họp định kỳ vào ngày 13 - 14/6 tới đây.
Công cụ FedWatch Tool của CME Group hiện cho thấy các thị trường tài chính hiện nhận định có đến hơn 73% xác suất FED sẽ không tăng lãi suất trong phiên họp tháng 6 này. Trong khi đó, một khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy có 90% số chuyên gia được hỏi nhận định FED sẽ không tăng lãi suất trong bối cảnh cơ quan này cần thêm thời gian để đánh giá tác động của việc siết chặt chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và vấn đề lạm phát.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng nhấn mạnh việc FED tạm ngừng tăng lãi suất lần này không đồng nghĩa với việc cơ quan này sẽ sớm kết thúc chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ. Hiện mặt bằng lãi suất tại Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2007 - thời điểm ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng vừa nhận định FED sẽ chưa thể sớm đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay bất chấp các rủi ro về hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ. IMF cũng lo ngại các rủi ro trong hệ thống ngân hàng toàn cầu có thể khiến cơ quan này điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.