Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vừa nhận định “Chúng tôi (IMF) chưa nhận thấy sự chậm lại đáng kể trong các hoạt động tín dụng. Mặc dù các hoạt động cho vay đã có sự suy yếu, nhưng không đủ lớn để dẫn đến việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có thể lùi bước."
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh một báo cáo của FED được công bố trong tháng 5 vừa qua cho thấy các ngân hàng tại Hoa Kỳ đang lo ngại về tình trạng thắt chặt tín dụng trong tương lai gần khi FED đang duy trì lãi suất cơ bản ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2007. Những rắc rối liên quan đến các ngân hàng cỡ trung tại Hoa Kỳ đang buộc hệ thống ngân hàng nước này siết chặt tiêu chuẩn cho vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Trong tháng 5 và tháng 4, đã có 3 ngân hàng khu vực (regional bank) quy mô lớn tại Hoa Kỳ phá sản, nguyên nhân trực tiếp là do FED tăng lãi suất nhanh và mạnh ở mức chưa từng có tiền lệ.
Giới chức FED cho rằng các rắc rối trong hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ sẽ kéo dài sang năm sau do tăng trưởng kinh tế nước này được dự báo sẽ suy yếu, tiền gửi vào các ngân hàng có thể bị rút ồ ạt và khả năng chống chịu có thể bị giảm đi.
Chuyên gia kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định các ngân hàng đang ở trong "một tình thế bấp bênh hơn". Điều đó có thể buộc IMF phải điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu; hiện IMF dự báo tăng trưởng kinh thế giới năm nay ở mức 2,8%.
Phần lớn ngân hàng trung ương trên toàn cầu, bao gồm FED, đã quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ để kìm hãm lạm phát. Trong khi đó, Viện Tài chính quốc tế (IIF) cho biết nợ toàn cầu đang tiến đến gần mức kỷ lục là 305.000 tỷ USD. IIF cảnh báo quy mô nợ và lãi suất tăng cao đang dẫn đến những lo ngại về rủi ro tín dụng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Bà Kristalina Georgieva cũng cho biết thêm việc thị trường lao động tháng 5 tại Hoa Kỳ vẫn ở mức tích cực càng có thể khiến FED khó có thể sớm đảo ngược định hướng chính sách tiền tệ hiện nay.
"Áp lực đến từ việc thu nhập của người lao động tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp cực kỳ thấp. Điều này có nghĩa là FED sẽ phải tiếp tục hành động. Và theo quan điểm của chúng tôi, họ cần làm nhiều hơn một chút", bà Kristalina Georgieva nhận định.
FED sẽ tiến hành họp định kỳ vào ngày 13 - 14/6 tới đây để quyết định chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Hiện nhiều chuyên gia nhận định FED có thể tạm dừng tăng lãi suất trong phiên họp này nhằm có thêm thời gian để đánh giác tác động của việc siết chặt chính sách tiền tệ đối với vấn đề lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc tạm dừng tăng lãi suất không đồng nghĩa với việc chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ lần này của FED đã chấm dứt. Theo công cụ FedWatch Tool của CME Group, hiện các thị trường tài chính nhận định có tới 81% xác suất FED sẽ không nâng lãi suất trong phiên họp tháng 6 này, con số này cao hơn đáng kể so với mức 70% xác suất được đưa ra hồi tuần trước.