Cụ thể, vào lúc 15h00 chiều nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 sụt giảm 2,01% xuống còn 105,37 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 6/2022 cũng giảm 2,23% xuống mức 103,35 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch hôm qua (ngày 11/5), giá dầu thô thế giới đã bật tăng mạnh gần 5% khi tâm lý thị trường trở nên cân bằng hơn giữa các thông tin trái chiều về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô cũng như rủi ro suy giảm nguồn cung dầu từ Nga. Giá dầu thô cũng được nâng đỡ bởi thông tin Nga áp lệnh trừng phạt lên 31 doanh nghiệp năng lượng Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Singapore, khiến tình trạng căng thẳng trên thị trường năng lượng trở nên nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm nay, giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh trở lại khi thị trường đón nhận những tin tức tiêu cực về triển vọng kinh tế. Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4/2022 của Hoa Kỳ tăng tới 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giảm nhẹ so với mức đỉnh 8,5% hồi tháng 3/2022 nhưng lạm phát tại Hoa Kỳ vẫn gần với mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.
Lạm phát hiện là mối đe doạ lớn nhất với sự phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine khó có thể sớm kết thúc khiến tình trạng đứt gãy nguồn cung nhiều loại hàng hoá, nguyên liệu thô sẽ kéo dài. Hiện Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đang “chạy đua” để kiểm soát lạm phát với việc tăng mạnh lãi suất cơ bản qua hai đợt điều chỉnh lãi suất vào tháng 3/2022 và đầu tháng 5/2022.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo việc FED mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ có thể khiến Hoa Kỳ không thể “hạ cánh mềm”, hay giảm tốc nền kinh tế một cách vừa đủ để hạ nhiệt lạm phát mà không gây tổn thất lớn cho thị trường lao động hay khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Một số nhà phân tích lo ngại việc nâng lãi suất cùng với các thách thức kinh tế lớn hiện nay như xung đột quân sự Nga – Ukraine, phong toả kéo dài tại Trung Quốc sẽ khiến Hoa Kỳ đối mặt với rủi ro cao rơi vào một đợt suy thoái mới.
Mặt khác, giới đầu tư tiếp tục lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc có thể suy giảm đáng kể khi nước này vẫn chưa có dấu hiệu nới lỏng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt kéo dài nhiều tuần qua nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19. Ông Stephen Innes, chuyên gia cấp cao tại quỹ quản lý đầu tư SPI Management (Thuỵ Sĩ), nhận định giá dầu thô sẽ chỉ ổn định trong ngắn hạn khi Trung Quốc phát đi tín hiệu về việc tung ra các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hoặc thay đổi chiến lược phòng chống dịch bệnh.