Cụ thể, lúc 8h40 sáng nay (ngày 5/10, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 52 cents tương ứng 1,3% lên mức 39,79 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng mạnh 59 cents tương ứng 1,6% lên 37,64 USD/thùng. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước (2/10), giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh hơn 4% trong bối cảnh thị trường lo ngại về diễn biến bệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ông Donald Trump được chuẩn đoán nhiễm Covid-19 cách đây vài ngày. Bên cạnh đó, thị trường cũng lo ngại việc số ca nhiễm mới Covid-19 tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo sự phục hồi của giá dầu thô trong phiên giao dịch sáng nay chưa hoàn toàn cho thấy thị trường đã có diễn biến tích cực. Ông Avtar Sandu, quản lý giao dịch hàng hoá cấp cao tại hãng chứng khoán Phillip Futures, nhận định “Mặc dù vẫn còn nhiều báo cáo trái ngược về tình hình sức khoẻ của Tổng thống Donald Trump bên cạnh thông tin sức khoẻ của Tổng thống đã được cải thiện trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, tôi cho rằng tổng thể chung sức khoẻ của ông Donald Trump đã tốt hơn và có thể sẽ sớm quay lại văn phòng làm việc”.
Trước đó, giới đầu tư lo ngại việc ông Donald Trump bị nhiễm Covid-19 và buộc phải đến bệnh viện để điều trị có thể khiến kế hoạch kích thích kinh tế của Hoa Kỳ bị trì hoãn, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó giá dầu thô cũng đang được nhận sự hỗ trợ từ khả năng công nhân ngành dầu khí Na Uy sẽ bắt đầu đình công từ ngày 5/10 (theo giờ địa phương). Theo ước tính của Hiệp hội Dầu mỏ và Khí Nauy (NOGA), cuộc đình công này có thể khiến tổng sản lượng khai thác dầu thô của Na Uy giảm đến 8% tương ứng 330.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, hãng tin Reuters cho biết sản lượng khai thác dầu thô của Libya – thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tăng gần 3 lần, chạm mức 270.000 thùng/ngày vào cuối tuần trước sau khi nước này đảm bảo an ninh tại các cơ sở khai thác và xuất khẩu dầu thô.
Việc giá dầu thô gia tăng trở lại cũng đang kích thích các hãng khai thác năng lượng tại Hoa Kỳ tái mở rộng sản xuất trở lại. Dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Hoa Kỳ) cho thấy lần đầu tiên kể từ tháng 10/2018, số lượng giàn khoan dầu và khí thiên nhiên tại Hoa Kỳ đã tăng 3 tuần liên tiếp.
Tuy nhiên, nguồn cung dầu thô ra thị trường tăng trong bối cảnh Trung Quốc đang giảm tốc độ nhập khẩu dầu thô. Tập đoàn tài chính JP Morgan nhận định, điều này có thể khiến giá dầu thô Brent giảm xuống còn khoảng 41 USD/thùng trong quý 4/2020. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu thô có thể buộc liên minh OPEC, bao gồm OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh gồm Nga tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 11/2020.