Vào lúc 7h32 sáng nay (ngày 1/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã giảm 21 cents/thùng tương ứng 0,8% xuống mức 26,14 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng 27 cents/thùng tương ứng 1,3% lên mức 20,75 USD/thùng. Giá dầu thô hiện đang ở gần mức thấp nhất trong vòng 18 năm trở lại đây.
Giá dầu thô trong phiên giao dịch sáng nay đã có sự biến động trái chiều trước các tác động trên thị trường. Trong đó, Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho biết mức tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng tới 10,5 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 4 triệu thùng của giới phân tích.
Tâm lý thị trường hiện vẫn bị đè nặng trong bối cảnh Ả-rập Xê-út và các quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không đạt được thoả thuận sẽ nhóm họp khẩn cấp trong tháng 4 này để thảo luận về việc giá dầu thô sụt giảm.
Hãng tin Reuters cho biết ít nhất 4 quốc gia trong tổng số 14 thành viên khối OPEC bao gồm Ả-rập Xê-út, quốc gia dẫn đầu khối OPEC, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Kuwait và Nigeria cho biết không cần thiết nhóm họp trong thời điểm hiện tại.
Ông Harry Tchilinguirian, chuyên gia phân tích của tập đoàn ngân hàng BNP Parisbas, nhận định khó có khả năng khối OPEC sẽ cùng với Nga hoặc Hoa Kỳ đồng thuận đưa ra các giải pháp để đối phó với việc nhu cầu sử dụng dầu thô sụt giảm mạnh.
Trong ngày 31/3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết Hoa Kỳ có thể tham gia thảo luận cùng Ả-rập Xê-út và Nga trong trường hợp cần thiết để thảo luận về việc giải quyết cuộc chiến giá dầu thô giữa hai nước nhằm giảm bớt áp lực lên giá dầu thô. Ông Donald Trump cho biết, trước đó, ông đã có các cuộc nói chuyện “tuyệt vời” với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman.
Sự suy giảm các hoạt động kinh tế do đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều nơi trên toàn cầu đã khiến nhu cầu sử dụng dầu thô hàng ngày trên toàn cầu sụt giảm ít nhất 20%, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Bên cạnh đó, cuộc chiến giá dầu thô giữa Ả-rập Xê-út và Nga càng khiến cho giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh.
Kết thúc quý 1/2020, giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã giảm gần 70%; tính riêng tháng 3/2020, giá dầu thô đã giảm gần 60% khi khối OPEC và các quốc gia đồng minh không đạt được thoả thuận đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác. Bắt đầu từ ngày 1/4, các quốc gia sản xuất dầu thô lớn như Ả-rập Xê-út và UAE sẽ nâng công suất khai thác lên mức tối đa.
Theo khảo sát của hãng tin Reuters với 40 chuyên gia, giá dầu thô Brent được dự báo đạt trung bình 38,76 USD/thùng trong năm 2020, giảm 36% so với mức dự báo đạt 60,63 USD/thùng trong khảo sát hồi tháng 2/2020.