Thứ Hai –23/3
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo sự bùng phát của đại dịch virus Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào giai đoạn suy thoái với mức độ trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 – 2009 và dự báo đến năm 2021, nền kinh tế thế giới mới có thể phục hồi.
Cảnh báo của IMF được đưa ra sau cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng của các nền kinh tế thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn (khối G20)– chiếm hơn 90% nền kinh tế toàn cầu.
IMF cho biết đã có gần 80 nước yêu cầu tổ chức này hỗ trợ tài chính khẩn cấp. IMF khuyến khích các ngân hàng trung ương lớn nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện các biện pháp tài khoá phù hợp nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua các tác động nghiêm trọng của dịch virus Covid-19.
Trong đầu tháng 3/2020, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieve cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ ở dưới mức 2,9% - mức tăng trưởng năm 2019. Cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong năm 2019 đã khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu rơi xuống mức thấp nhất kể từ mức tăng 0,7% ghi nhận vào năm 2009.
Theo đánh giá của IMF, giới đầu tư trên toàn cầu đã rút khoảng 83 tỷ USD ra khỏi các nền kinh tế đang nổi lên, đây là làn sóng tháo chạy vốn cao nhất trong lịch sử. Bà Kristalina Georgieve cho biết các quốc gia thành viên IMF cần hợp tác thực hiện các hoạt động hoán đổi tiền tệ nhằm đảm bảo duy trì thanh khoản trên thị trường.
Thứ Ba – 24/3
Các quan chức cấp cao Đức cho biết đã sẵn sàng tung ra các giải pháp kích thích kinh tế với tổng trị giá lên đến hơn 356 tỷ EUR (tương đương 382 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này đối phó với các tác động của đại dịch virus Covid-19. Quy mô gói kích thích lần này tương đương với 10% tổng GDP hàng năm của Đức.
Gói kích thích mới sẽ bao gồm 156 tỷ EUR cho các khoản chi tiêu bổ sung của Chính phủ Đức, 100 tỷ EUR cho Quỹ ổn định kinh tế và có thể được dùng để trực tiếp mua lại các tài sản chứng khoán của các công ty của Đức và 100 tỷ EUR được phân bổ cho Ngân hàng Tái thiết Đức KfW nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận được nguồn vốn vay.
Giới phân tích đánh giá đây là động thái bước ngoặt đối với Chính phủ Đức – vốn nổi tiếng với sự thận trọng trong các chính sách tài khoá. Gói kích thích mới của Đức sắp được tung ra trong bối cảnh Châu Âu hiện đã trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới (tính đến ngày 24/3) và nhiều nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) như Italy và Tây Ban Nha điêu đứng vì sự bùng phát của dịch virus Covid-19.
Chi tiết gói kích thích kinh tế sẽ được Chính phủ Đức thảo luận trong tuần này. Dự kiến Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz sẽ có bài phát biểu về gói kích thích kinh tế mới vào thứ Bảy này (28/3). Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết nước này sẽ quay trở lại chính sách "thắt lưng buộc bụng" và chính sách cân bằng ngân sách sau khi cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 qua đi.
Theo tính toán của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức, thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế Đức sẽ cao hơn rất nhiều so với những gì mà nước này từng phải hứng chịu trong các cuộc khủng hoảng kinh tế hay thiên tai những thập kỷ gần đây với mức thiệt hại ước tính từ 255 đến 729 tỷ EUR.
Thứ Tư – 25/3
Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật cứu trợ kinh tế với khoản ngân sách khổng lồ lên tới 2.200 tỷ USD sau nhiều ngày tranh cãi nảy lửa giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Đây là khoản tiền lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ nhằm cứu trợ nền kinh tế.
Dự luật về khoản cứu trợ kinh tế được thông qua trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại Hoa Kỳ đã tăng mạnh lên mức 70.000 người với hơn 1.000 ca tử vong (tính đến ngày 25/3). Dự luật hiện đã được chuyển qua Hạ viện Hoa Kỳ để xem xét và phê chuẩn, trước khi được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký và thực thi.
Hạ viện Hoa Kỳ dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật vào ngày 27/3. Dự luật cứu trợ kinh tế lần này sẽ gồm 367 tỷ USD vốn vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhỏ, 500 tỷ USD hỗ trợ cho các ngành công nghiệp, thành phố và tiểu bang bị ảnh hưởng nặng bởi tác động của dịch virus Covid-19.
Bên cạnh đó, hầu hết công dân trưởng thành tại Hoa Kỳ sẽ được nhân ngân phiếu trị giá 1.200 USD, trẻ em sẽ được nhận 500 USD để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Đây là dự luật hỗ trợ thứ 3 và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Hoa Kỳ được tung ra nhằm đối phó với dịch Covid-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Donald Trump ký vào ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus Covid-19 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.
Nhiều tổ chức kinh tế lớn cảnh báo Hoa Kỳ có thể đã hoặc sẽ rơi vào một cuộc suy thoái do sự bùng phát của dịch virus Covid-19, chấm dứt mạch tăng trưởng kéo dài kỷ lục 11 năm. Dữ liệu mới nhất cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 21/3 đã đạt mức cao kỷ lục 3,28 triệu đơn, so với mức 282.000 đơn của 1 tuần trước đó và mức cao kỷ lục 695.000 đơn hồi suy thoái năm 1982.
Thứ Năm – 26/3
Khảo sát độc lập về điều kiện kinh doanh của Trung Quốc trong quý 1/2020 do hãng tư vấn China Beige Book thực hiện cho thấy các chỉ số chính đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, phản ánh nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi trở lại sau 2 tháng bị đình trệ kéo dài vì đại dịch virus Covid-19.
Trong đó, chỉ số đo lường doanh thu của các doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm xuống mức -26 điểm; trong khi đó, chỉ số đo lường lợi nhuận giảm còn -22 điểm trong quý 1/2020, theo China Beige Book.
Khối ngành dịch vụ của Trung Quốc là khu vực chịu tác động mạnh nhất từ sự bùng phát của dịch bệnh trong quý 1/2020 với gần 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết doanh thu theo quý giảm hơn 10%; tiếp theo là khối ngành bán lẻ và sản xuất với gần 30% doanh nghiệp đưa ra dự báo tương tự.
Trước đó, vào ngày 16/3, Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố một số dữ liệu kinh tế 2 tháng đầu năm 2020 của nước này. Trong đó, doanh số bán lẻ đã giảm tới 20,5%; sản lượng công nghiệp giảm 13,5% và mức đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp Trung Quốc giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, sự sụt giảm của sản lượng công nghiệp là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, theo dữ liệu của hãng tin Reuters. Tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố trong tháng 2/2020 do Chính phủ Trung Quốc công bố cũng đã tăng vọt lên mức 6,2% - mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Thứ Sáu – 27/3
Chốt phiên giao dịch ngày 26/3, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ tiếp tục tăng điểm mạnh với mạch tăng kéo dài ngày thứ 3 liên tiếp. Trong đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng 6,4%; trong 3 ngày trở lại đây, chỉ số này đã tăng hơn 20% - mức tăng cao nhất trong 3 ngày kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1931.
Chỉ số S&P 500 cũng ghi nhận phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp với mức tăng 6,2% trong ngày 26/3. Giá cổ phiếu của hàng loạt tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ như Facebook, Amazon, Apple và Alphabet đều tăng mạnh.
Bất chấp thông tin số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng mức cao kỷ lục trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát, giới đầu tư Hoa Kỳ đã trở nên lạc quan hơn về triển vọng kinh tế nước này khi Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật cứu trợ kinh tế khổng lồ nhằm hạn chế tác động của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, niềm tin của giới đầu tư còn được nâng đỡ sau khu Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cho biết có thể sử dụng tới 4.500 tỷ USD để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trên thị trường và cung cấp các khoản vay trực tiếp cho các doanh nghiệp nước này.
FED cho biết đang tích cực xúc tiến chương trình hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm giúp các doanh nghiệp này “sống sót và duy trì hoạt động kinh doanh”, qua đó đảm bảo duy trì công việc cho người lao động.