Vào lúc 11h00 sáng nay ngày 7/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 3/2022 được giữ không đổi tại mức 93,41 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 3/2022 giảm 0,68% xuống mức 91,68 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đều tăng vọt hơn 2 USD/thùng, xác lập mức giá cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây khi thị trường lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô sẽ kéo dài và nghiêm trọng hơn các dự báo trước đây.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường đang có dấu hiệu chốt lời sau mạch tăng nóng kéo dài 7 tuần liên tiếp của giá dầu. Đồng thời, diễn biến tích cực trong đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa Iran và Hoa Kỳ cũng khiến giới đầu tư lo ngại nguồn cung dầu có thể tăng lên trong thời gian tới. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu thô thế giới đã tăng khoảng 20%.
Trong ngày 4/2, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bất ngờ khôi phục quyết định miễn trừng phạt Iran, mở đường cho các dự án hợp tác hạt nhân quốc tế. Đây được xem là nhượng bộ lớn của Hoa Kỳ trong nỗ lực thúc đẩy Iran đi đến thoả thuận hạt nhân. Iran hiện chưa có phản ứng gì sau quyết định của Hoa Kỳ.
Trong các tuyên bố trước đây, giới chức Iran đã nhiều lần nhấn mạnh việc khôi phục thoả thuận hạt nhân chỉ khả thi khi Hoa Kỳ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này. Nếu Hoa Kỳ và Iran đạt được thoả thuận hạt nhân thì nguồn cung dầu thô từ Iran ra thị trường quốc tế có thể sẽ gia tăng mạnh.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhấn mạnh giá dầu thô vẫn có thể tiếp tục tăng lên. Ông Kazuhiko Saito, trưởng ban phân tích tại hãng chứng khoán Fujitomi Securities Co Ltd (Nhật Bản), cho biết “Các nhà đầu tư đã thực hiện việc chốt lời dựa trên các thông tin về tình hình giữa Hoa Kỳ và Iran. Tuy nhiên, thoả thuận hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Iran sẽ khó có thể sớm đạt được và còn nhiều điều bất định xoay quanh thoả thuận này. Hiện tại, giá dầu thô vẫn đang giữ đà tăng và các ngân hàng đầu tư dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt mức 100 USD/thùng, nguồn cung dầu thô trên toàn cầu sẽ vẫn ở mức thấp khi liên minh OPEC+ không đạt được mục tiêu khai thác cũng như sản lượng khai thác từ Hoa Kỳ không tăng mạnh”.
Hiện liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng thêm sản lượng khai thác như mục tiêu đã đề ra do công suất dự phòng suy giảm và thiếu hụt đầu tư mới.
Tại Hoa Kỳ, mặc dù số lượng giàn khoan khai thác dầu đang hoạt động đã tăng tháng thứ 18 liên tiếp nhưng sản lượng khai thác dầu thô hiện vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Thị trường dầu mỏ hiện cũng đang được hỗ trợ bởi các căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Nếu xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra thì nguồn cung năng lượng từ Nga sang châu Âu có thể bị gián đoạn, khiến giá năng lượng trên thế giới tăng cao.