Giá dầu thô thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi tăng mạnh 5 phiên liên tiếp. Cụ thể, vào lúc 13h00 chiều ngày 29/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 đã giảm 1,57% xuống mức 77,85 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 10/2021 cũng giảm 1,61% xuống mức 74,10 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/9 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent đã tăng 1,8% lên 79,53 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng tăng 2% lên mức 75,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent đã tăng giá 3 tuần liên tiếp; trong khi đó, giá dầu thô WTI đã ghi nhận mạch tăng giá kéo dài 5 tuần liên tiếp.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) vừa cho biết tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô trên thị trường trong những tháng cuối năm nay sẽ ở mức cao hơn các dự báo trước đây trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu sau đợt bùng phát biến thế Covid-19 Delta phục hồi mạnh trên toàn cầu. Theo đó, Goldman Sachs điều chỉnh tăng mạnh dự báo giá dầu thô trong giai đoạn cuối năm nay lên mức 90 USD/thùng, tăng 10 USD/thùng so với dự báo gần nhất.
Trong khi đó, ông Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ cấp cao tại hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), nhận định việc giá dầu thô Brent có lúc tăng vượt ngưỡng 80 USD/thùng trong phiên giao dịch 28/9 đã phản ánh tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn cung.
Thông tin cho thấy một số quốc gia thành viên liên minh OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư và tình trạng bảo dưỡng các cơ sở khai thác bị trì hoãn kéo dài do dịch bệnh. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.
Đối với nguồn cung dầu thô từ Vịnh Mexico, ông Louise Dickson nhận định phải đến quý 1 năm sau thì hoạt động khai thác dầu thô tại khu vực này mới phục hồi hoàn toàn dưới các tác động của siêu bão Ida hồi tháng 8 vừa qua.
Tập đoàn khai thác dầu khí Hess Corporation (Hoa Kỳ) nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ tăng đến ngưỡng 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay hoặc trong quý 1/2022. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu đạt 99,7 triệu thùng trong năm 2019.
Dữ liệu cũng cho thấy lượng dầu thô được Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, đã tăng vọt trong tháng 8 vừa qua, chạm mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây.