Tái cân bằng thị trường
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent giao tương lai đã đạt 73,51 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 71,64 USD/thùng; xác lập tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá dầu thô quốc tế đã tăng tới hơn 40%.
Đà tăng giá của dầu thô cũng như nhiều loại hàng hoá, nguyên liệu cơ bản khác chủ yếu do nhu cầu trên toàn cầu bùng nổ, đồng USD suy yếu và khả năng xuất hiện một siêu chu kỳ tăng giá hàng hoá, nguyên liệu thô mới khiến mức độ đầu cơ trên thị trường tăng lên.
Đối với thị trường dầu mỏ, việc giá dầu thô phục hồi mạnh mẽ từ mức dưới 20 USD/thùng trong tháng 4/2020 lên mức trên 73 USD/thùng như hiện nay còn chủ yếu nhờ việc liên minh OPEC+ kiên trì theo đuổi mục tiêu tái cân bằng thị trường dầu mỏ với việc cắt giảm sản lượng khai thác ở mức cao kỷ lục.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út chi phối và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện đang kiểm soát hơn 50% tổng sản lượng khai thác dầu thô toàn cầu.
Hiện liên minh OPEC+ đang nâng dần sản lượng trở lại nhưng ở mức độ thấp bất chấp dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ vượt mức cung trong nửa cuối năm nay. Một số chuyên gia phân tích nhận định liên minh OPEC+ đang quá thận trọng trong việc nâng nguồn cung dầu thô.
Thậm chí, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa qua đã kêu gọi liên minh OPEC+ nên nâng sản lượng khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu đang tăng cao. IEA dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu toàn cầu sẽ đạt ngưỡng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào cuối năm 2022, sớm hơn so với các dự báo trước đây.
Các yếu tố chi phối giá dầu mỏ thời gian tới
Thứ nhất, nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu phục hồi mạnh mẽ là yếu tố cơ bản và có tác động lớn nhất để hỗ trợ giá dầu thô tăng lên. Sự hồi sinh của nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19 là động lực lớn nhất thúc đẩy sự bùng nổ trên thị trường hàng hoá, nguyên liệu thô.
Tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay được Ngân hàng Thế giới dự báo sẽ đạt 5,6% - mức phục hồi hậu suy thoái mạnh nhất trong vòng 80 năm trở lại đây. Tại những quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, hoạt động giao thông đã gần như trở về mức bình thường. Mức tiêu thụ xăng và nhiên liệu hàng không tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã tăng mạnh. Đặc biệt, mức tiêu thụ nhiên liệu tại Hoa Kỳ trong mùa hè này được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục.
Hãng nghiên cứu và tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (Anh) dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ ở mức 6 triệu thùng/ngày trong vòng 18 tháng tới đây. Theo đó, tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ vượt ngưỡng 101 triệu thùng/ngày trong Quý 4/2022, vượt mức đỉnh của năm 2019.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu cũng đối mặt rủi ro làn sóng lây nhiễm Covid-19 với các biến chủng mới. Các làn sóng lây nhiễm mới đang buộc Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và một số khu vực Châu Âu áp dụng các biện pháp phong toả, cản trở đà phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu toàn cầu. Tổng thể chung, đại dịch Covid-19 vẫn đang phủ bóng đen lên đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, tăng trưởng nguồn cung dầu thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng dự kiến trong năm nay. Liên minh OPEC+ đang thận trọng để giữ thị trường ở mức cân bằng và tránh để tình trạng dư cung xảy ra khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Dự kiến sản lượng dầu thô toàn cầu năm nay sẽ chỉ tăng thêm ở mức 1,3 triệu thùng/ngày; trong khi đó, nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ tăng thêm tới 5,9 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, OPEC vừa mới dự báo sản lượng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ sẽ không phục hồi nhanh trong năm nay. Thông thường, sản lượng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ sẽ phục hồi nhanh khi giá dầu thô tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, các hãng khai thác dầu tại nước này hiện giữ quan điểm thận trọng và không ồ ạt mở rộng hoạt động sản xuất như trước đây khi Hoa Kỳ đang có xu hướng chuyển hướng sang phát triển năng lượng sạch và giảm đầu tư cho nhiên liệu hoá thạch.
Việc sản lượng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ tăng mạnh trong những năm trước đây đã làm giảm khả năng kiểm soát giá của OPEC và cũng là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc chiến giá dầu thô giai đoạn 2014 – 2016 và nửa đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, khả năng nguồn cung dầu thô của Iran tăng mạnh trong thời gian tới ngày càng giảm xuống khi các cuộc đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa nước này và Hoa Kỳ chưa đạt được bước tiến đột phá. Iran cũng vừa mới đón nhận tân Tổng thống ông Ebrahim Raisi với chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử diễn ra cuối tuần trước.
Ông Ebrahim Raisi thuộc phe bảo thủ, trái ngược với người tiền nhiệm ông Hassan Rouhani vốn có tinh thần cải cách và theo đường lối ôn hoà. Hoa Kỳ hiện cũng đang liệt ông Ebrahim vào danh sách trừng phạt với cáo buộc vi phạm nhân quyền, điều mà Iran luôn bác bỏ.
Thứ ba, lượng tồn trữ dầu thô trên toàn cầu đang có xu hướng giảm mạnh, phản ánh tình trạng nguồn cung ở mức thấp và nhu cầu tăng cao. Hãng Wood Mackenzie cho biết lượng tồn trữ dầu thô của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện đã giảm hơn 100 triệu thùng so với mức đỉnh hồi tháng 5/2020. Dự kiến, lượng tồn trữ dầu thô này sẽ tiếp tục giảm thêm 100 triệu thùng nữa trong nửa cuối năm nay, xuống mức thấp hơn đáng kể so với mức trước thời điểm đại dịch xảy ra.
Dự báo giá dầu thô những tháng tới
Hãng Wood Mackenzie dự báo giá dầu thô có thể tiếp tục tăng trong những tháng tới đây. Trong đó, giá dầu thô Brent có thể đạt khoảng 75 USD – 76 USD/thùng trong những tháng mùa hè này và dự kiến nguồn cung sẽ tiếp tục ở mức thấp trong Quý 3/2021. Trong khi đó, tâm lý giới đầu tư vẫn tiếp tục hưng phấn, thậm chí, một số nhà đầu tư còn kỳ vọng giá dầu thô sẽ đạt ngưỡng 100 USD/thùng.
Tuy nhiên, hãng Wood Mackenzie nhận định diễn biến giá dầu thô trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào chiến lược khai thác của liên minh OPEC+ khi tổ chức này có thể nhanh chóng nâng sản lượng khai thác trở lại.
Trong khi đó, các hãng giao dịch dầu thô lớn nhất thế giới như Vitol và Trafigura đồng loạt dự báo giá dầu thô sẽ dao động trong khoảng từ 70 USD – 80 USD/thùng trong nửa cuối năm nay. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) hiện vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu thô sẽ đạt 80 USD/thùng trong những tháng mùa hè này.
Giới quan sát nhận định hiện liên minh OPEC+ có xu hướng để giá dầu thô tăng cao nhằm khắc phục phần nào thiệt hại doanh thu lên đến 355 tỷ USD khi thị trường dầu mỏ sụp đổ trong năm ngoái.
Hãng Wood Mackenzie nhận định nếu giá dầu thô Brent trong năm 2021 đạt trung bình 69,30 USD/thùng thì doanh thu của OPEC sẽ gần đạt mức tương đương trong năm 2019 với sản lượng khai thác giảm 10%.
Liên minh OPEC+ cũng hiểu được những rủi ro khi giá dầu thô lên quá cao sẽ làm chậm lại đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, phần lớn ngành công nghiệp dầu mỏ đang thu được dòng tiền khổng lồ khi giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng. Mọi việc sẽ bắt đầu thay đổi khi giá dầu thô vẫn giữ ở mức cao như hiện nay trong năm 2022 và đà phục hồi nhu cầu sử dụng có dấu hiệu ổn định.
Nhìn chung, hiện nay liên minh OPEC+ đang nỗ lực tái cân bằng thị trường bằng cách hạn chế nguồn cung khi nhu cầu phục hồi mạnh. Trong giai đoạn tiếp theo, liên minh này sẽ tăng dần nguồn cung dầu thô để cạnh tranh thị phần khi nguồn cung dầu đá phiến của Hoa Kỳ tăng trở lại. Điều này có thể khiến giá dầu thô giảm dần và dự báo giá dầu thô Brent trong năm 2022 sẽ đạt mức trung bình 66 USD/thùng, theo hãng Wood Mackenzie.