Xả kho dự trữ chiến lược
Trong ngày 16/6, Cục Dự trữ Chiến lược và Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ xả bán lượng lớn các kim loại công nghiệp như đồng, nhôm và kẽm cho các hãng sản xuất và doanh nghiệp luyện kim màu thông qua các cuộc đấu giá công khai trong thời gian tới.
Đây được xem là động thái mới nhất của Chính phủ Trung Quốc trong việc kìm hãm đà tăng cao kỷ lục của nhiều loại hàng hoá công nghiệp trong thời gian vừa qua vốn gây ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi của nền kinh tế nước này.
Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5/2021 đã có mức tăng cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây do giá nguyên liệu đầu vào tăng, khiến biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp nước này bị bào mòn và gia tăng áp lực giá lên các loại hàng hoá trên quy mô toàn cầu.
Giá của nhiều mặt hàng nguyên liệu thô trên thị trường quốc tế đã lập mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây khi nhu cầu sử dụng trên toàn cầu bùng nổ, thị trường tràn ngập trong các dòng tiền giá rẻ và hành động đầu cơ gia tăng của giới đầu tư.
Trong tháng 5 vừa qua, giá kim loại đồng được giao dịch trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã lên mức cao nhất mọi thời đại, đạt 10.747,50 USD/tấn, tăng hơn 60% so với hồi tháng 3/2020 – thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát ra toàn cầu. Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), giá nhôm cũng tăng vọt lên mức cao nhất kể từ hồi năm 2010 và giá kẽm cũng đạt đỉnh 14 năm. Sàn LME hiện là sàn giao dịch kim loại lớn nhất thế giới và sàn SHFE là một trong những sàn giao dịch hàng hoá quan trọng nhất Trung Quốc.
Ngay sau các thông tin trên, giá hầu hết các kim loại công nghiệp được giao dịch tại khu vực Châu Á đã giảm xuống. Giá kim loại đồng trên sàn LME lao dốc, chạm đáy thấp nhất trong 8 tuần trở lại đây.
Ông Jia Zheng, nhà giao dịch hàng hoá tại hãng quản lý đầu tư Shanghai Dongwu Jiuying Investment Management Co. (Trung Quốc), cho biết “Thị trường chưa từng chứng kiện việc cơ quan dự trữ chiến lược quốc gia Trung Quốc xả bán hàng hoá dự trữ trong nhiều năm trở lại đây. Điều này sẽ gia tăng nguồn cung trong ngắn hạn và tạo áp lực giảm lên thị trường”.
Theo tính toán của tập đoàn tài chính Citi Group (Hoa Kỳ), Trung Quốc đang dự trữ khoảng 2 triệu tấn đồng, 800.000 tấn nhôm và 350.000 tấn kẽm và có thể bán ra lượng nhôm và kẽm đủ đáp ứng 2% tổng nhu cầu sử dụng hàng năm của nước này.
Lần gần nhất Trung Quốc công khai xả bán kim loại đồng từ cơ quan dữ trữ quốc gia vào năm 2005 – khi giá đồng trên thị trường nước này tăng vọt, và xả bán lượng dự trữ nhôm và kẽm vào năm 2010. Trong năm 2019, Trung Quốc cũng bán ra lượng lớn thịt lợn từ các kho dự trữ chiến lược nhằm bình ổn giá thịt lợn tại nước này.
Đẩy mạnh điều tiết thị trường hàng hoá
Trước tình trạng giá hàng hoá tăng phi mã, kể từ tháng 5 vừa qua, giới chức lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với tình trạng đầu cơ và thao túng giá hàng hoá, nguyên liệu thô nhằm kìm hãm kỳ vọng tăng giá hàng hoá của giới đầu tư và ngăn chặn nạn đầu cơ.
Các cơ quan quản lý nhà nước Trung Quốc cũng nhóm họp các nhà cung cấp hàng hoá lớn nhất nước này nhằm yêu cầu đảm bảo duy trì trật tự thị trường thông thường và không đẩy giá hàng hoá tăng lên cao hơn nữa. Trong khi đó, các sàn giao dịch hàng hoá tại Trung Quốc đồng loạt khuyến cáo các nhà đầu tư về rủi ro tăng nóng của các hợp đồng giao dịch hàng hoá, áp đặt lại mức phí giao dịch và nâng mức ký quỹ nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ.
Bên cạnh động thái của Cục Dự trữ Chiến lược và Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Trung Quốc (SASAC) đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc phải kiểm soát rủi ro và hạn chế tiếp cận các thị trường giao dịch hàng hoá nước ngoài.
Đồng thời, SASAC yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo tình hình giao dịch các hợp đồng kỳ hạn trên thị trường hàng hoá mà họ có tham gia. Trước đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp nội địa nước này, bao gồm các hãng sản xuất thép, hãng giao dịch hàng hóa và các đơn vị môi giới trên thị trường hàng hoá phải giảm vị thế giá lên đối với các hợp đồng kỳ hạn giao dịch trên các sàn giao dịch hàng hoá nước này nhằm hạn chế sự biến động mạnh của các loại nguyên liệu thô như quặng sắt và than đá.
Giới chức lãnh đạo nước này cũng đang thảo luận việc áp dụng mức giá trần đối với giá bán than nhiệt lượng cao nhập khẩu cũng như khai thác nội địa nhằm ngăn chặn việc giá năng lượng tăng vọt khi nhu cầu tiêu thụ sẽ đạt đỉnh trong những tháng mùa hè tới đây. Các động thái gần đây cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách điều tiết thị trường hàng hoá nhằm ngăn chặn các trường hợp đột biến giá trong tương lai.