Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 75,78 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 71,03 USD/thùng, đều giảm hơn 1% so với mức giá lúc mở cửa phiên giao dịch. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent đã tăng 2,4% và giá dầu thô WTI tăng 2,3%.
Giá dầu thô quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch sáng nay sau khi cuối tuần trước, nhiều tổ chức tài chính lớn như tập đoàn Nomura (Nhật Bản), Standard Chartered (Anh), JPMorgan (Hoa Kỳ) và UBS (Thuỵ Sĩ) đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.
Theo đó, Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ ghi nhận tăng trưởng GDP năm nay trong khoảng 5,1% - 5,7%, thấp hơn nhiều so với mức 5,5% - 6,3% được nhận định trước đây. Chính phủ Trung Quốc hiện đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức khoảng 5%.
Dữ liệu mới nhất cho thấy đà phục hồi của Trung Quốc sau khi tái mở cửa trở lại đang giảm dần; sản lượng công nghiệp lẫn doanh số bán lẻ trong tháng 5 vừa qua của nước này đều thấp hơn kỳ vọng. Triển vọng kém tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu. Trong những tháng gần đây, thị trường kỳ vọng cao rằng Trung Quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu toàn cầu thời gian tới.
Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế trong thời gian tới để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Tuy nhiên, giới chức nước này đang lo ngại gánh nặng nợ và khả năng dòng vốn nước ngoài rút ròng có thể khiến cho hoạt động tiêu dùng của người dân lẫn hoạt động đầu tư sản xuất của khối doanh nghiệp tư nhân suy yếu.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô hiện đang được kìm hãm phần nào nhờ kỳ vọng Saudi Arabia cắt giảm mạnh sản lượng khai thác trong tháng 7 tới đây sẽ giúp cân bằng hơn cung - cầu dầu thô trên toàn cầu.
Kuwait nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm nay. Kuwait hiện là một trong những nước cung ứng dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Trong tháng 5 vừa qua, sản lượng của các nhà máy lọc hoá dầu tại Trung Quốc đã tăng mạnh 15,4% so với cùng kỳ năm 2022, chạm mức cao thứ hai trong lịch sử.
Đồng thời, dữ liệu cho thấy số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Hoa Kỳ hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022, cho thấy sản lượng dầu của Hoa Kỳ sẽ giảm xuống trong thời gian tới. Trong khi đó, tập đoàn tài chính ANZ nhận định có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh trong mùa Hè năm nay. Trong tuần trước, nhu cầu tiêu thụ xăng tại nước này đã lên tới 9,24 triệu thùng/ngày - mức cao nhất từ tháng 12/2021.