Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa công bố báo cáo triển vọng thị trường dầu thô tháng 6/2023. Theo đó, OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu trong năm nay sẽ tăng thêm 2,35 triệu thùng/ngày, tương đương mức tăng 2,4% so với nhu cầu năm 2022. Con số này tăng nhẹ so với mức dự báo tăng 2,33 triệu thùng được OPEC đưa ra hồi tháng 5.
OPEC cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 2,6%. Tuy nhiên, tăng trưởng của quý 4/2023 có thể sẽ giảm 0,1% so với quý 3/2023. Đồng thời, cơ quan này nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những bất ổn gia tăng trong nửa cuối năm nay khi lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt, mặt bằng lãi suất cao và thị trường lao động bị thắt chặt hơn. Ngoài ra, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt.
Bên cạnh đó, OPEC cũng lưu ý triển vọng kinh tế toàn cầu có thể tích cực hơn nếu như lạm phát giảm xuống, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tốt hơn dự báo và nền kinh tế Hoa Kỳ duy trì được đà tăng trưởng trong nửa đầu năm nay.
Trong thời gian gần đây, giá dầu thô đã chịu áp lực giảm đáng kể khi thị trường lo ngại tăng trưởng tại nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và khu vực Eurozone yếu hơn kỳ vọng sẽ khiến triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm xuống. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã giảm hơn 15%, xuống còn quanh mức 73 USD/thùng.
Sự sụt giảm của giá dầu thô đã buộc Saudi Arabia, quốc gia chủ chốt trong khối OPEC, thông báo tự nguyện cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 7 tới đây. Mức cắt giảm này tương đương 10% tổng sản lượng khai thác hiện nay của nước này và tương đương 1% tổng nguồn cung dầu toàn cầu. Trong khi đó, các quốc gia thành viên khác của OPEC và các quốc gia khai thác dầu đồng minh như Nga cũng tuyên bố sẽ kéo dài kế hoạch giảm sản lượng khai thác cho đến cuối năm 2024, thay vì cuối năm nay.
Giới quan sát nhận định những động thái này cho thấy OPEC đang quyết liệt ngăn giá dầu giảm xuống sâu hơn nữa và vùng giá 70 USD/thùng có thể là mức giá sàn của dầu thô trong thời gian tới.
Đáng chú ý, bất chấp các dữ liệu kinh tế kém tích cực của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua, OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này trong năm nay lên mức 15,7 triệu thùng/ngày, tăng 840.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, OPEC điều chỉnh giảm nhẹ nhu cầu sử dụng dầu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) do hoạt động kinh tế yếu trong quý 2/2023.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết Trung Quốc vừa phân giao hạn ngạch nhập khẩu dầu thô lần thứ 3 trong năm nay với tổng mức nhập khẩu dầu thô trong nửa đầu năm 2023 dự kiến lên đến 194,1 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về phía nguồn cung, OPEC cho biết tổng sản lượng khai thác của các quốc gia thành viên tổ chức này trong tháng 5 vừa qua đã giảm 0,46 triệu thùng/ngày, xuống còn 28,06 triệu thùng/ngày. Hiện tổ chức này ước tính sản lượng khai thác của các nước thành viên cần đạt 29,3 triệu thùng/ngày để đảm bảo cân bằng cung - cầu dầu toàn cầu. Điều này cho thấy nếu OPEC tiếp tục duy trì sản lượng khai thác thấp như trong tháng 5 thì tình trạng căng thẳng nguồn cung có thể xuất hiện trong thời gian tới.