Hoạt động sản xuất suy yếu trên toàn cầu
Khảo sát mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global (Hoa Kỳ) cho thấy nhu cầu toàn cầu sụt giảm mạnh đã làm suy yếu hoạt động sản xuất trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ, đồng thời tạo ra thách thức lớn đối với nhiều nhà xuất khẩu của châu Á. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của hàng loạt nền kinh tế lớn trên thế giới như khu vực Eurozone, Trung Quốc, Hàn Quốc… trong tháng 5 vừa qua đều ở dưới ngưỡng 50 điểm – đánh dấu hoạt động sản xuất đã bị thu hẹp.
Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát cao dai dẳng đã bào mòn sức mua của người tiêu dùng, khiến tổng cầu trong nền kinh tế trở nên yếu hơn. Môi trường lạm phát cao khiến chi phí đầu vào tăng lên, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm mạnh, kéo theo đó là hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Trong khi đó, lạm phát cao khiến hầu hết ngân hàng trung ương trên toàn cầu siết chặt chính sách tiền tệ, đẩy lãi suất lên cao, khiến các doanh nghiệp lẫn các hộ gia đình gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Chỉ số PMI sản xuất toàn cầu do tập đoàn tài chính JPMorgan (Hoa Kỳ) đo lường cho thấy tâm lý lạc quan của các nhà sản xuất trên toàn cầu hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Dữ liệu của Viện Quản lý Cung ứng Hoa Kỳ (ISM) cho thấy quy mô sản xuất tại Hoa Kỳ trong tháng 5 đã suy giảm tháng thứ 7 liên tiếp; đáng chú ý, tốc độ suy giảm trong tháng 5 nhanh hơn so với các tháng trước. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng cho biết lượng đơn hàng sản xuất (không bao gồm vận tải) của các nhà máy tại nước này trong tháng 4 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp. Thậm chí, nếu không tính số đơn hàng của lĩnh vực quốc phòng, lượng đơn hàng này ở mức yếu hơn rất nhiều so với mức thông thường.
Sức tiêu thụ nhiều mặt hàng như máy tính, sản phẩm điện tử, đồ gia dụng và linh kiện… tại Hoa Kỳ đều ghi nhận xu hướng giảm. Nhu cầu thị trường yếu cũng khiến các doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho nắm giữ, gây thêm sức ép lên lĩnh vực sản xuất.
Tại khu vực Eurozone, chỉ số PMI giảm mạnh xuống còn 46,3 điểm, so với mức 45,8 điểm hồi tháng 4, đánh dấu tháng giảm thứ 11 liên tiếp của chỉ số này. Số lượng đơn hàng mới và đơn hàng tồn đọng trong tháng 5 đối với các nhà máy tại Eurozone đều giảm đáng kể.
Điển hình, tại Đức – nền kinh tế lớn nhất Eurozone, đơn hàng nhận được trong tháng 4 đã giảm 0,4% so với tháng 3, và giảm tới 9,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Italy, những ngành công nghiệp thế mạnh của nước này như dệt may, quần áo, giày dép…. đã giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp ở Italy hiện ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất cũng không khả quan hơn. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số PMI trong tháng 5 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Một kết quả PMI khác do hãng nghiên cứu độc lập Caixin công bố có phần tích cực hơn. Nhưng cả hai bộ chỉ số PMI đều cho thấy giá cả đầu vào lẫn đầu ra đối với lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc đã giảm xuống.
Trong đó, một số nhà kinh tế cho rằng, giá cả đầu ra trong tháng 5 có thể đã giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này làm tổn hại đến lợi nhuận, từ đó cản trở đầu tư sản xuất. Đồng thời, xuất khẩu trong tháng 5 của Trung Quốc đã giảm tới 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Những dữ liệu này làm dấy lên lo ngại rằng hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ còn tiếp tục suy yếu trong thời gian tới.
Rủi ro suy thoái kinh tế hiện hữu
Suy thoái kinh tế được định nghĩa là sự suy giảm kinh tế trên diện rộng, bao gồm sự suy yếu trong hoạt động sản xuất lẫn tiêu dùng.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa cho biết tăng trưởng GDP quý 1/2023 của Eurozone đã giảm 0,1% so với mức tăng trưởng của quý 4/2022. Trong quý 4/2022, tăng trưởng GDP của Eurozone cũng giảm 0,1%. Như vậy, với hai quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng GDP “đi lùi”, Eurozone đã rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Đáng chú ý, nền kinh tế Đức cũng rơi vào suy thoái kỹ thuật với sản lượng kinh tế giảm sâu hơn so với các quốc gia khác trong khu vực Eurozone. Điều này gây ra lo ngại đặc biệt, trong những thập kỷ trước, nền kinh tế Đức thường phục hồi nhanh chóng sau những cú sốc kinh tế nhờ vào sức mạnh của khu vực xuất khẩu vốn dĩ có tính cạnh tranh cao của nước này.
Tuy nhiên, thương mại toàn cầu đã bị ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch và căng thẳng địa chính trị gia tăng, nên rất có khả năng thương mại sẽ không mang lại mức độ hỗ trợ như trước cho kinh tế Đức vào thời điểm này.
Do quy mô lớn và giữ vai trò đầu tàu, nền kinh tế Đức có thể kéo khu vực Eurozone đi lên hoặc đi xuống theo, bất chấp triển vọng kinh tế tại những nền kinh tế lớn khác trong khu vực như Pháp, Italy và Tây Ban Nha có thể được cải thiện trong thời gian tới.
Giới chức điều hành Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) hiện cảnh báo Hoa Kỳ có thể rơi vào suy thoái nhẹ vào cuối năm nay, dù thị trường lao động của nước này vẫn ở trạng thái tốt. Nền kinh tế Hoa Kỳ đang trong tình trạng “mong manh” với tăng trưởng GDP quý 1/2023 giảm mạnh còn 1,1%. Mặt bằng lãi suất tại nước này hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2007 - thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra; trong khi đó, lạm phát vẫn còn đang cao gấp đôi so với mục tiêu của FED.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định FED sẽ chưa sớm đảo ngược chính sách tiền tệ hiện nay cho dù hoạt động tín dụng tại Hoa Kỳ đã chậm lại đáng kể dưới tác động của lãi suất tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cũng như gây ra các rủi ro đối với hệ thống ngân hàng nước này.
Một khảo sát của Hiệp hội Các nhà sản xuất quốc gia Hoa Kỳ (NAM) công bố tuần trước cho thấy 67% các nhà sản xuất được khảo sát tỏ ra lạc quan về tương lai của công ty - tỷ lệ thấp nhất của khảo sát này kể từ quý 3/2020. Việc giữ chân người lao động có tay nghề, nền kinh tế Hoa Kỳ suy yếu và môi trường kinh doanh không thuận lợi được liệt kê là những thách thức lớn nhất của nhóm doanh nghiệp này.