Dữ liệu chính thức từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho thấy tăng trưởng kinh tế của Đức trong quý 1/2023 tiếp tục giảm 0,3%, sau khi giảm 0,5% trong quý 4/2022. Như vậy, nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái kỹ thuật với 2 quý liên tiếp có mức tăng trưởng âm. Một số dự báo được đưa ra hồi tháng 4/2023 kỳ vọng tăng trưởng của Đức trong quý 1/2023 có thể chững lại, chỉ đạt quanh 0%, nhưng vẫn tránh được suy thoái.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết "Tình trạng vật giá leo thang kéo dài tiếp tục là gánh nặng đối với nền kinh tế Đức trong những tháng đầu năm nay. Điều này được phản ánh rõ rệt trong mức chi tiêu tiêu dùng cuối cùng của các hộ gia đình”.
Nhà phân tích kinh tế Andreas Scheuerle từ ngân hàng DekaBank (Đức), ví von rằng người dân đã “khuỵu gối” trước sức nặng của lạm phát, qua đó kéo toàn bộ nền kinh tế Đức đi xuống cùng với họ. Chi tiêu của các hộ gia đình tại Đức đã giảm 1,2% trong quý 1/2023 so với quý trước đó; chi tiêu chính phủ cũng giảm tới 4,9%.
"Thời tiết mùa đông ấm áp, hoạt động công nghiệp phục hồi, cùng với việc Trung Quốc mở cửa trở lại và các nút thắt của chuỗi cung ứng dần được tháo gỡ, vẫn chưa đủ để đưa nền kinh tế Đức thoát khỏi vùng nguy cơ suy thoái", ông Carsten Brzeski, người đứng đầu Bộ phận kinh tế vi mô của ngân hàng ING (Hà Lan), nhận định.
Trước khi dữ liệu tăng trưởng được công bố, Viện Nghiên cứu kinh tế Đức đã cảnh báo niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Đức trong tháng 5 chỉ đạt âm 10,7 điểm so với mức 4,1 điểm của tháng 4. Đây cũng là lần đầu tiên chỉ số này của Đức ở mức dưới 0 trong năm nay, phản ánh giới đầu tư ngày càng lo ngại Đức sẽ rơi vào suy thoái.
Hồi đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã sớm cảnh báo Đức là nền kinh tế duy nhất trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể rơi vào suy thoái trong năm nay với kịch bản tăng trưởng kinh tế từ gần 0% đến âm 0,1%. Nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế Đức phụ thuộc nguồn cung khí đốt của Nga nhiều hơn so với các quốc gia châu Âu khác khiến nền kinh tế nước này chịu tác động mạnh hơn từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine.
Giá năng lượng tại châu Âu đã tăng vọt sau khi nổ ra xung đột quân sự Nga - Ukraine vào năm ngoái. Nga sau đó tiếp tục cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu, khiến Đức phải ban bố tình trạng khẩn cấp và dự kiến phải chi tới 1.000 tỷ USD từ nay đến năm 2023 để ngưng hoàn toàn việc sử dụng khí đốt từ Nga.
Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đã gây bất an cho cả giới doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, kìm hãm hoạt động đầu tư và mua hàng, điều này đã ảnh hưởng đến tổng cầu. Trong khi đó, việc tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho đến nay vẫn chưa khống chế được lạm phát, hiện ở mức 7% trên toàn khu vực Eurozone.
Một số nhà phân tích hiện cho rằng tăng trưởng của Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone, sẽ không giảm thêm trong các quý sau nhưng cũng chưa thể hồi phục mạnh mẽ. Ngân hàng Bundesbank (Đức) thậm chí kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng nhẹ trong quý 2 do sự phục hồi của ngành công nghiệp. Trong khi đó, Chính phủ Đức dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,4% trong cả năm 2023.