Chốt phiên giao dịch ngày 31/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 giảm 0,6% xuống mức 72,99 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2021 cũng giảm 1% xuống còn 68,50 USD/thùng.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm xuống khi thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô tại Hoa Kỳ sẽ suy giảm trong ngắn hạn do nhiều nhà máy lọc hoá dầu lớn ven Vịnh Mexico của Hoa Kỳ buộc phải ngưng hoạt động khi siêu bão Ida đổ bộ vào tiểu bang Louisiana vào ngày 29/8.
Với sức gió khi đổ bộ vào khoảng 240 km/giờ, siêu bão Ida là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào tiểu bang Louisiana trong vòng 170 năm trở lại đây. Cơn bão đã đánh sập hệ thống điện trên diện rộng và gây ngập lụt tại nhiều nơi. Tổng công suất lọc hoá dầu của các nhà máy quanh khu vực Vịnh Mexico hiện chiếm hơn 45% năng lực lọc hoá dầu của Hoa Kỳ. Trong đó, tiểu bang Louisiana là một trong những trung tâm vận chuyển quan trọng của ngành lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ.
Một số nhà máy lọc hoá dầu lớn cho biết đã ghi nhận những thiệt hại do siêu bão Ida gây ra và đang tiến hành kiểm tra để đánh giá mức độ an toàn. Giới phân tích nhận định nếu việc sửa chữa và khôi phục hoạt động của các nhà máy kéo dài thì giá nhiên liệu tại Hoa Kỳ có thể sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới.
Dữ liệu cho thấy nguồn cung dầu thô và khí tự nhiên từ khu vực Vịnh Mexico đã giảm khoảng 94% do các giàn khoan ngoài khơi phải ngưng hoạt động khi bão đổ bộ. Tuy nhiên, hoạt động khai thác dầu thô dự kiến sẽ được khôi phục nhanh chóng trở lại trong tuần này.
Tính chung cả tháng 8 vừa qua, giá dầu thô Brent đã giảm khoảng 4%; trong khi đó, giá dầu thô WTI giảm tới 7%. Qua đó, xác lập tháng đầu tiên giá dầu thô giảm xuống kể từ hồi tháng 3/2021. Tuy nhiên, giá dầu thô hiện đang tiệm cận mức cao kỷ lục được xác lập hồi tháng 7 vừa qua.
Liên minh OPEC+, bao gồm tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, vừa đạt thoả thuận sẽ nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 9 – tháng 12/2021.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một số nguồn tin cho biết liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ nguyên kế hoạch nâng sản lượng khai thác bất chấp việc Hoa Kỳ đang ngày càng gây sức ép để buộc liên minh này tăng thêm nguồn cung dầu thô.
Dữ liệu của OPEC cho thấy nguồn cung dầu thô sẽ thiếu hụt so với nhu cầu trong những tháng cuối năm nay nhưng sang năm 2022, thị trường có thể rơi vào tình trạng dư cung dầu thô.