Giá dầu thô xác lập tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 6/2020

Giá dầu thô Brent hiện đạt 72,70 USD/thùng khi nhiều yếu tốc tích cực hỗ trợ thị trường như triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc, đồng USD suy yếu và đứt gãy nguồn cung từ Vịnh Mexico. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô thế giới đã tăng tới 11% - mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 6/2020.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 27/7 - 28/7/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này ngày 27/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 tiếp tục tăng 2,3% lên 72,70 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2021 cũng tăng 2% lên 68,74 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã tăng tới 11% và giá dầu thô WTI tăng hơn 10%, xác lập mức tăng theo tuần cao nhất kể từ tháng 6/2020.

Giá dầu thô đang được hỗ trợ mạnh khi tâm lý thị trường khởi sắc, kỳ vọng việc Trung Quốc dần kiểm soát thành công đợt tái bùng phát đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta sẽ giúp mức tiêu thụ nhiên liệu tại đây tăng trở lại.

Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng được nâng đỡ khi nguồn cung dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico sẽ suy giảm trong ngắn hạn khi một cơn bão lớn Ida được dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực trong cuối tuần này. Tính đến ngày 27/8, sản lượng khai thác dầu thô từ Vịnh Mexico đã giảm 59% khi hàng loạt giàn khoan ngoài khơi khu vực này đóng cửa và nhân viên được sơ tán.

Sản lượng khai thác dầu thô từ Vịnh Mexico chiếm khoảng 17% tổng sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là cơn bão Ida có thể đổ bộ vào đất liền và gây thiệt hại lớn cho các nhà máy lọc hoá dầu xung quanh bờ Vịnh Mexico. Tổng công suất lọc hoá dầu của các nhà máy quanh khu vực Vịnh Mexico hiện chiếm hơn 45% năng lực lọc hoá dầu của Hoa Kỳ.

Các chuyên gia hiện cảnh báo cơn bão Ida đặc biệt nguy hiểm và có khả năng gây ra thiệt hại lớn hơn những gì cơn bão lịch sử Katrina gây ra đối với ngành lọc hoá dầu Hoa Kỳ hồi năm 2005. Hãng tin Reuters cho biết giá dầu thô tại khu vực Vịnh Mexico đã liên tục tăng trong những phiên giao dịch gần đây do lo ngại đứt gãy nguồn cung.

Kể từ cuối tuần trước, nguồn cung dầu thô từ khu vực Vịnh Mexico đã giảm khoảng 400.000 thùng/ngày khi một giàn khoan dầu thô lớn của hãng khai thác dầu quốc doanh Mexico Pemex gặp sự cố hoả hoạn nghiêm trọng.

Mặt khác, giá dầu thô còn được hỗ trợ từ việc đồng USD suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt khác sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell cho biết sẽ giảm dần chương trình mua tài sản vào cuối năm nay nhưng chưa vội tăng lãi suất cơ bản trở lại. Việc đồng USD suy yếu khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu cơ bản được định giá bằng đồng tiền này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư năm giữ các loại tiền khác. Ông Jerome Powell cũng khẳng định nền kinh tế Hoa Kỳ đang tiếp tục phục hồi.

Cuối tuần trước, việc FED cho biết đang cân nhắc sớm siết lại các biện pháp kích thích kinh tế ngay từ cuối năm nay đã khiến đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây so với các đồng tiền chủ chốt khác. Điều này đã góp phần tạo áp lực giảm giá sâu đối với giá dầu thô.

Thị trường hiện cũng đang tập trung theo dõi các động thái xung quanh việc điều hành sản lượng khai thác của liên minh OPEC+. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu. Liên minh OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 1/9 tới đây để thảo luận kế hoạch nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong những tháng cuối năm. Kế hoạch này vốn được đề xuất từ hồi tháng 7/2021.

Dữ liệu mới nhất của hãng dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co. (Hoa Kỳ) cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô hoạt động tại Hoa Kỳ trong tuần vừa qua đã đạt 410 giàn khoan – mức cao nhất kể từ hồi tháng 4/2020. Số lượng giàn khoan dầu thô đã liên tục tăng trong 12 tháng vừa qua; đây là chỉ báo cho thấy sản lượng khai thác dầu thô trong tương lai của Hoa Kỳ sẽ tăng lên.

Quang Đặng