Vào lúc 09h29 sáng nay (ngày 9/7, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 7 cents tương ứng 0,2% xuống 43,22 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đã giảm 14 cents tương ứng 0,3% xuống mức 40,76 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 8/7, giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI đã lần lượt tăng 0,5% và 0,7%.
Ông Lachlan Shaw, trưởng ban nghiên cứu hàng hoá tại Ngân hàng Quốc gia Australia, cho biết thị trường dầu mỏ hiện đang đối mặt với các khó khăn và các dữ liệu cho thấy những thông tin nhiễu về nhu cầu sử dụng dầu mỏ.
Trong ngày 8/7, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết lượng tồn trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm tới 4,8 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia phân tích. EIA cũng cho biết nhu cầu sử dụng xăng dầu tại Hoa Kỳ đã đạt mức 8,8 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Đây là mức cao nhất kể từ ngày 20/3/2020.
Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, giá dầu thô chịu áp lực giảm do thị trường ngày càng lo ngại việc tái áp dụng các biện pháp phong toả nhằm phòng chống đại dịch Covid-19 tại một số tiểu bang của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ tác động tiêu cực đến sự phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nước này.
Trong ngày 8/7, Hoa Kỳ đã ghi nhận thêm 58.000 ca nhiễm Covid-19 mới. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy đã có đến 42 trong tổng số 50 tiểu bang của Hoa Kỳ ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trở lại.
Lo ngại về sự bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai và khả năng tái áp dụng các biện pháp phong toả diện rộng đã khiến giá dầu thô biến động trong biên độ hẹp, quanh mốc 40 USD/thùng, trong những tuần gần đây.
Ông Lachlan Shaw cho biết nhu cầu sử dụng xăng dầu tại những tiểu bang tái áp đặt biện pháp phong toả tại Hoa Kỳ đã giảm xuống trong khi đó nhu cầu sử dụng xăng dầu đang phục hồi rõ rệt tại khu vực Bờ Đông Hoa Kỳ vốn đã kiểm soát được đại dịch Covid-19.
Thị trường dầu mỏ hiện đang tập trung theo dõi cuộc họp của liên minh OPEC+ diễn ra vào hôm 15/7 tới đây. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga. Trong phiên họp tới đây, liên minh OPEC+ sẽ ra quyết định tiếp tục duy trì mức cắt giảm hoặc nâng sản lượng khai thác trở lại trong tháng 8/2020.
Hiện tại, liên minh OPEC+ đang thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng lên đến 9,7 triệu thùng/ngày nhằm hỗ trợ đà phục hồi của giá dầu thô; mức cắt giảm này dự kiến sẽ giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 8/2020 đến cuối năm nay.
Trong thời gian gần đây, liên minh OPEC+ đã liên tục gây sức ép với một số quốc gia thành viên như Iraq và Nigeria nhằm đảm bảo các thành viên cắt giảm sản lượng khai thác như đã cam kết.