Trong ngày 7/7, Uỷ ban Châu Âu (EC) cho biết nền kinh tế Liên minh Châu Âu (EU) được dự báo sẽ suy giảm 8,3% trong năm 2020 dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Con số này cao hơn nhiều so với mức suy giảm 7,4% được đưa ra cách đây 2 tháng. Dự báo tăng trưởng GDP của khu vực EU trong năm 2021 cũng được điều chỉnh giảm xuống mức 5,8%, thấp hơn so với dự báo trước đây.
Ông Valdis Dombrovskis, Uỷ viên EC, cho biết “Việc phong toả nhằm phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã gây ra các tác động kinh tế nghiêm trọng hơn các dự báo trước đây. Nền kinh tế EU vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm việc bùng phát đại dịch Covid-19 lần 2”.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) cũng được điều chỉnh giảm với dự báo suy giảm lên đến 8,7% trong năm 2020, giảm thêm 1% so với các dự báo trước đây. Các dự báo của EC được đưa ra với giả định các biện pháp phong toả kiểm soát đại dịch Covid-19 tại các quốc gia Châu Âu sẽ tiếp tục được nới lỏng và đợt bùng phát dịch lần 2 sẽ không diễn ra; tuy nhiên, đây đều là các yếu tố không chắc chắn.
Tại Đức – nền kinh tế lớn nhất khối Eurozone, một khu vực dân cư đã bị phong toả trở lại khi nhân viên của một nhà máy đóng gói thịt gần đó bị nhiễm Covid-19. Bồ Đào Nha cũng tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt tại một số khu vực tại thủ đô Lisbon sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao trở lại.
Italy, nền kinh tế lớn thứ ba khối Eurozone và là quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì dịch Covid-19 cao nhất Châu Âu, được dự báo sẽ suy giảm tăng trưởng kinh tế đến 11,2% trong năm nay. Đây cũng là nền kinh tế có mức suy giảm tăng trưởng mạnh nhất trong khối Eurozone. Dự kiến phải đến năm 2022 thì Italy mới phục hồi tăng trưởng trở lại ngang bằng mức năm 2019.
EC cho biết “Quy mô và khoảng thời gian diễn ra của dịch bệnh, cũng như khả năng tái áp đặt các biện pháp phong toả nhằm phòng chống sự lây lan của dịch bệnh trong tương lai hiện vẫn là điều chưa chắc chắn”.
EC dự báo suy giảm tăng trưởng kinh tế của Pháp và Tây Ban Nha trong năm 2020 sẽ ở mức trên 10%. EC cũng cảnh báo triển vọng kinh tế khu vực Châu Âu có khả năng cao tiếp tục suy giảm nghiêm trọng hơn những gì được dự báo. Các yếu tố không chắc chắn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi kinh tế của khu vực Châu Âu.
Các dấu hiệu gần đây cho thấy một số nền kinh tế khu vực Châu Âu bắt đầu phục hồi trở lại khi các quốc gia tại đây nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, mở cửa biên giới trở lại cho khách du lịch và tái khởi động các hoạt động kinh tế. Trong tháng 6/2020, nền kinh tế Pháp đã ghi nhận tăng trưởng trở lại và các chuyên gia phân tích cho biết các hoạt động kinh tế tại Pháp mặc dù vẫn còn ở mức yếu nhưng đều phục hồi tốt hơn so với các dự báo ban đầu. Pháp hiện là nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Eurozone.
Hiện các quốc gia trong liên minh EU vẫn đang nỗ lực đàm phán các chi tiết của gói cứu trợ khủng hoảng Covid-19 với quy mô lên đến 750 tỷ EUR (825 tỷ USD). EC hiện đề xuất cung cấp 2/3 giá trị gói cứu trợ dưới các khoản viện trợ đến các quốc gia và ngành công nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhưng 4 quốc gia gồm Áo, Đan Mạch, Thuỵ Điển và Phần Lan đã đồng loạt phản đối ý tưởng này và yêu cầu các khoản tiền cứu trợ phải được phân bổ dưới dạng các khoản vay và các quốc gia tiếp nhận khoản cứu trợ phải có trách nhiệm trả lại.
Lãnh đạo các quốc gia thành viên khối EU sẽ quyết định thông qua hay không gói cứu trợ này trong phiên họp kéo dài ngày 17 và 18/7 tới đây. Nếu được thông qua, gói cứu trợ này sẽ lớn hơn nhiều so với tổng các gói kích thích kinh tế của EU hiện nay (trị giá 592 tỷ USD) cùng với các gói kích thích kinh tế riêng của các quốc gia thành viên liên minh EU. Gói cứu trợ khủng hoảng Covid-19 của EC dự kiến sẽ hỗ trợ hiệu quả nhất đến các quốc gia như Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Đây là các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động du lịch và chịu ảnh hưởng mạnh từ đại dịch Covid-19.