Thứ Hai – 29/6
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) công bố dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 5/2020 tiếp tục sụt giảm mạnh 8,4% so với tháng 4/2020, xuống còn 79,1 điểm – chạm mức thấp nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp, Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới ghi nhận sự sụt giảm sản lượng công nghiệp.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu kéo theo sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và sụt giảm nhu cầu về hàng hoá trên toàn cầu cũng như tại thị trường nội địa đã gây ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất công nghiệp của Nhật Bản.
Nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II. Chính phủ Nhật Bản tiếp tục duy trì quan điểm sản lượng công nghiệp của nước này đang “suy giảm mạnh” – quan điểm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thứ Ba – 30/6
Dữ liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc cho thấy chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) khối sản xuất trong tháng 6/2020 của nước này đạt 50,9 điểm, tăng nhẹ so với mức 50,5 điểm ghi nhận hồi tháng 5/2020. Con số này cao hơn mức dự báo tăng 50,4 điểm của giới phân tích và đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp hoạt động sản xuất của Trung Quốc vượt ngưỡng 50 điểm, phản ánh sự mở rộng của các hoạt động sản xuất.
Dữ liệu cho thấy nguồn cung và nhu cầu trong khối sản xuất nước này đang bắt đầu gia tăng trở lại, trong đó, chỉ số đo lường số đơn hàng mới đã tăng liên tục trong 2 tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, các chỉ số do lường hoạt động xuất – nhập khẩu cũng đã được cải thiện trong bối cảnh các đối tác kinh tế lớn của Trung Quốc bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế.
Tuy nhiên, khối sản xuất công nghiệp Trung Quốc vẫn được cảnh báo sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả trên toàn cầu.
Thứ Tư – 1/7
Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á trong năm 2020 được dự báo sẽ ở mức -1,6%, giảm mạnh so với mức dự báo “không tăng trưởng” được IMF đưa ra hồi tháng 4/2020. Năm 2020 cũng sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, nền kinh tế khu vực Châu Á ghi nhận tăng trưởng âm.
Ông Changyong Rhee, Giám đốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương tại IMF, dự báo nền kinh tế khu vực Châu Á sẽ bật tăng mạnh trở lại và có thể đạt mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2021 nhưng mức độ hoạt động kinh tế trong khu vực sẽ vẫn yếu hơn so với những gì IMF dự báo trước khi đại dịch xuất hiện.
Tuy nhiên, điều khiến IMF thực sự lo ngại hiện nay là đà phục hồi của nền kinh tế Châu Á sau năm 2020 do nhiều quốc gia khu vực Châu Á “phụ thuộc mạnh” vào các hoạt động ngoại thương, du lịch và kiều hối. Đây đều là những lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.
Thứ Năm – 2/7
Phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế nước này vẫn chưa thực sự thoát khỏi các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra và đà phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ có thể sụp đổ nếu như nước này thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Ông Jerome Powel cho biết “Làn sóng bùng phát dịch bệnh lần 2 có thể buộc Chính phủ và người dân ngưng các hoạt động kinh tế một lần nữa”. Tính riêng trong ngày 2/7, Hoa Kỳ đã ghi nhận thêm 50.000 ca nhiễm mới Covid-19. Đây là số ca nhiễm mới tính theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Hoa Kỳ. Hàng loạt tiểu bang mới đây đã khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển và tái áp đặt lại các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt như đóng cửa các nhà hàng và quán bar.
Ông Jerome Powel cũng cho biết FED sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục như hiện nay và cung cấp các công cụ hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo thị trường tài chính hoạt động hiệu quả.
Thứ Sáu – 3/7
Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore cho biết Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 12 đồng ý tham gia việc kết nối các hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra.
Ý tưởng bảo đảm duy trì các hoạt động thương mại và chuối cung ứng được Singapore và New Zealand đề xuất từ tháng 3/2020 trong bối cảnh sự bùng phát của dịch bệnh trên toàn cầu đã khiến phần lớn các chuỗi cung ứng bị tê liệt.
Các quốc gia tham gia đề xuất này như Australia, Canada, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Uruguay cam kết không áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hoặc các biện pháp thuế quan và các hàng rào phi thuế quan, cũng như loại bỏ các biện pháp hạn chế giao thương hiện có đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là vật tư y tế nhằm hỗ trợ các hoạt động phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19.