Chốt phiên giao dịch ngày 21/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 đã giảm mạnh 1,21 USD xuống còn 84,61 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 12/2021 cũng giảm 1,37 USD xuống mức 82,50 USD/thùng.
Sau khi vượt định 86 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, giá dầu thô Brent đã chịu áp lực giảm mạnh sau khi một dự báo cho biết Hoa Kỳ sẽ đón một mùa đông ấm, nhiệt độ sẽ không giảm sâu như một số lo ngại trước đây.
Đến 11h30 sáng nay ngày 22/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiếp tục giảm 0,82% xuống còn 83,98 USD/thùng và giá dầu thô WTI giảm 0,65% xuống còn 81,92 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô WTI đang hướng đến mức tăng 0,5% và dầu thô Brent gần như không đổi.
Trong đầu tuần này, giá dầu thô đã đạt những mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây khi tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng than đá và khí tự nhiên tại Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu khiến giá các loại năng lượng nói trên tăng vọt, kéo theo đó là giá dầu thô. Đồng thời, xu hướng chuyển đổi từ khí tự nhiên sang dầu nhiên liệu của các nhà máy sản xuất điện cũng khiến nhu cầu sử dụng dầu thô được dự báo sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm nay.
Tuy nhiên, giá than tại Trung Quốc đã mất hơn 31% trong 2 phiên giao dịch gần đây khi chính phủ nước này tuyên bố sẽ can thiệp thị trường nhằm đưa giá than về mức hợp lý. Điều này đã phần nào khiến động lực tăng của giá dầu thô Brent giảm xuống.
Đối với dầu thô WTI, đà giảm giá của loại dầu thô này vẫn được kìm hãm phần nào khi các dữ liệu cho thấy mức tồn trữ dầu thô tại khu cảng Cushing (tiểu bang Oklahoma) đã chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 10/2018. Cảng dầu Cushing là cảng chứa dầu thương mại lớn nhất Hoa Kỳ và là nơi chuyển giao dầu của các hợp đồng giao dịch dầu thô WTI.
Trong khi đó, công suất hoạt động của các nhà máy lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ vẫn ở mức thấp do đang vào mùa bảo trì. Thị trường lo ngại khi các nhà máy lọc hoá dầu gia tăng công suất trở lại thì tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô sẽ trở nên trầm trọng hơn.