Trong giai đoạn vừa qua, Indonesia đã cấm xuất khẩu nhiều loại quặng kim loại thô như quặng nickel, thiếc và đồng nhằm thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghiệp hạ nguồn như luyện kim và sản xuất pin xe điện.
Trong phiên giao dịch ngày 21/10, giá nickel thế giới đã chạm đỉnh cao nhất 7 năm trở lại đây sau thông tin Indonesia có thể cấm hoặc đánh thuế cao đối với các mặt hàng nickel bán thành phẩm dùng để sản xuất thép không gỉ nhằm buộc các hãng luyện kim phải tăng cường tinh chế tại thị trường nội địa.
Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, các chính sách siết chặt xuất khẩu sẽ được áp dụng đối với tất cả các loại hàng hoá, nguyên liệu thô của nước này và sẽ sớm được đưa ra trong thời gian tới. Trong đó, lệnh cấm xuất khẩu quặng bauxite, nguyên liệu quan trọng đối với ngành công nghiệp luyện nhôm, có thể được Indonesia áp dụng ngay trong năm sau thay vì vào năm 2023 như lộ trình trước đây.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng cho biết đang cân nhắc việc cấm xuất khẩu dầu cọ chưa qua tinh chế. Dầu cọ là nguyên liệu phổ biến cho nhiều lĩnh vực công nghiệp như sản xuất mỹ phẩm, bơ thực vật, bánh kẹo và nhiên liệu sinh học. Trong năm 2020, Indonesia xuất khẩu 34 triệu tấn dầu cọ và 21% trong số này là dầu cọ thô, chưa qua tinh chế.
Giới quan sát nhận định việc Indonesia cấm hoặc siết chặt việc xuất khẩu nhiều loại nguyên liệu thô sẽ ảnh hưởng lớn đến giá hàng hoá cơ bản trên thị trường trong bối cảnh nước này là nhà cung cấp dầu cọ, thiếc và than nhiệt lượng cao lớn nhất thế giới.
Đối với mặt hàng dầu cọ, Indonesia hiện chi phối hơn 50% tổng nguồn cung dầu cọ trên thị trường. Việc thiếu dầu cọ thô từ Indonesia có thể khiến nhu cầu sử dụng các loại dầu thực vật khác tăng lên. Bên cạnh đó, Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu quặng bauxite lớn thứ 5 thế giới.