Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc có xu hướng giảm dần nhập khẩu than nâu cho sản xuất điện trong bối cảnh nước này siết chặt các biện pháp giảm lượng phát thải khí nhà kính. Tổng lượng than nâu được Trung Quốc nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 53,53 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi khi cuộc khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng nhất trong hơn 10 năm trở lại đây bùng phát tại Trung Quốc, buộc nước này phải sử dụng mọi loại than có thể để sản xuất điện.
Nhu cầu nhập khẩu than ồ ạt của Trung Quốc đã đẩy giá các loại than nâu tại Indonesia tăng vọt lên mức 110 USD – 120 USD/tấn trong tuần này. Mức giá này cao hơn gấp 6 lần so với mức từ 20 USD – 25 USD/tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Indonesia hiện là quốc gia cung ứng than nhiệt lượng và than nâu lớn thứ hai, sau Australia, cho Trung Quốc.
Hồi tháng 6 vừa qua, Indonesia cũng đã điều chỉnh giá tham chiếu đối với than xuất khẩu lên mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây khi nhu cầu sử dụng than cho sản xuất điện của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng mạnh khi những nước này trải qua mùa hè nắng nóng gay gắt, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng điện làm mát tăng vọt.
Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho biết các hãng nhập khẩu than Trung Quốc đang dồn lực thu mua than từ Indonesia trong bối cảnh giới chức Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các tháng mùa đông sắp tới bằng bất kỳ giá nào.
Giá than tại Indonesia được nhận định có thể còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong thời gian tới khi nhu cầu thu mua của Trung Quốc ở mức cao và nguồn cung than tại Indonesia ở mức yếu do tình trạng lũ lụt tại khu vực Kalimantan nước này. Kalimantan là khu vực khai thác than lớn nhất với sản lượng chiếm hơn 50% tổng sản lượng than hàng năm của Indonesia.
Do khả năng sinh nhiệt tương đối thấp và gây ô nhiễm cao, than nâu thường được các nhà máy nhiệt điện phối trộn với các loại than khác có chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, việc Trung Quốc áp đặt các hạn chế nhập khẩu than nhiệt lượng cao từ Australia để trả đũa ngoại giao đang buộc nước này phải khẩn cấp tìm kiếm các nguồn cung than từ các nước khác như Indonesia, Nga, khu vực Châu Phi, thậm chí là Hoa Kỳ.