Giá khí LNG lập đỉnh, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực
Trong phiên giao dịch ngày 28/9, chỉ số giá khí tự nhiên Dutch TTF, đo lường biến động giá khí tự nhiên tại Châu Âu, đã tăng vọt 11% lên mức 85 EUR/MWh, tăng gấp 4 lần so với mức 20 EUR/MWh hồi tháng 4 vừa qua. Chỉ số giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao ngay khu vực Châu Á Platts JKM cũng đạt tới 32,229 USD/MMBtu – mức cao nhất kể từ hồi đầu năm đến nay. Đây cũng là mức giá trong tháng 9 cao nhất trong lịch sử giá. Tại Hoa Kỳ, chỉ số giá khí tự nhiên Henry Hub tăng hơn 180% trong vòng 12 tháng vừa qua lên 5,9 USD/MMBtu, chạm ngưỡng cao nhất kể từ tháng 2/2014.
Giới phân tích cảnh báo nếu nhiệt độ mùa đông năm nay tại Bắc Bán Cầu giảm sâu hơn thường lệ sẽ khiến giá khí LNG tiếp tục tăng cao hơn nữa. Tập đoàn tài chính Citigroup Inc. (Hoa Kỳ) vừa qua đã nâng gấp đôi mức dự báo giá khí LNG khu vưc Châu Á và Châu Âu trong quý 1/2022, thậm chí đưa ra kịch bản gây sốc khi cho rằng giá khí LNG có thể tăng đến 100 USD/MMBtu nếu như những tháng mùa đông tới đây khắc nghiệp hơn thông thường và các vấn đề thiếu hụt nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn.
Khi đề cập đến diễn biến giá và nguồn cung khí LNG trong thời gian tới, ông Robert Yawger, người đứng đầu bộ phận thị trường năng lượng kỳ hạn tại tập đoàn tài chính Mizuho Securities (Nhật Bản), cảnh báo “Nếu nhiệt đột giảm sâu ngay từ đầu mùa đông, mọi chuyện sẽ xấu đi rất nhanh”.
Việc giá khí tự nhiên tăng vọt đang góp phần đẩy giá nhiều mặt hàng năng lượng khác như giá dầu thô và than đá nhiệt lượng cao tăng mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 28/9, giá dầu thô Brent trên thế giới đã có lúc tăng vượt ngưỡng quan trọng 80 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Giá khí tự nhiên nói riêng và giá các mặt hàng năng lượng tăng vọng đang khiến vấn đề lạm phát tại nhiều nước trở nên trầm trọng hơn khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn cho nhiều mặt hàng từ chi phí điện, xăng dầu, phân bón cho đến thực phẩm.
“Trong điều kiện bình thường, giá khí tự nhiên tăng cao như vậy đã là tin xấu rồi. Ở thời điểm này, giá khí tự nhiên càng tăng càng khiến lo ngại về lạm phát trở nên trầm trọng hơn”, ông Robert McNally, Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group (Hoa Kỳ), nhận xét.
Lạm phát leo thang sẽ gia tăng sức ép, buộc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sớm thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu, thậm chí tiến hành dần tăng lãi suất trở lại ngay từ năm 2022. Sự thay đổi chính sách tiền tệ của FED không chỉ tác động mạnh đến thị trường tài chính tại Hoa Kỳ mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến các thị trường trên toàn cầu.
Tại Trung Quốc, việc giá các mặt hàng năng lượng tăng vọt cùng với các vấn đề về nguồn cùng đang khiến nước này đối mặt với khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng nhất trong 10 năm trở lại đây. Hiện ít nhất 16/31 tỉnh của Trung Quốc, bao gồm nhiều tỉnh sản xuất công nghiệp trọng điểm, phải áp dụng các biện pháp kiểm soát tiêu thụ điện đặc biệt. Tình trạng cắt điện diện rộng đang gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động của các nhà máy tại đây, làm dấy lên các lo ngại về rủi ro duy trì các chuỗi cung ứng, đe doạ triển vọng phục hồi kinh tế không chỉ của Trung Quốc mà còn của nền kinh tế toàn cầu.
Giá nhiều mặt hàng công nghiệp quan trọng trên thế giới như giá thép, giá nhôm và giá phân bón đang có xu hướng thiết lập các đỉnh giá lịch sử mới do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc dưới các tác động của việc thiếu hụt điện.
Tại khu vực Châu Âu, giá khí tự nhiên tăng vọt cũng khiến hai công ty sản xuất phân bón tại Anh đã phải ngưng sản xuất vô thời hạn trong tháng 9 vừa qua và đe doạ nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng thực phẩm nước này. Nhiều hãng cung cấp năng lượng lớn nhất Anh yêu cầu chính phủ nước này phải cứu trợ khẩn cấp với quy mô lên tới hàng tỷ bảng Anh để đảm bảo nguồn cung năng lượng khi giá khí đốt ở mức cao lịch sử. Đây là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng khí đốt tại Châu Âu.
Đợt tăng giá khí tự nhiên diễn ra vào một thời điểm đầy thách thức đối với các chính phủ trên thế giới, khi họ vừa phải đương đầu với lạm phát cao, vừa phải thúc đẩy sự dịch chuyển khỏi các nhiên liệu hoá thạch nhằm chống lại sự nóng lên của Trái Đất. Một số nhà quan sát nhận định Châu Âu sẽ cần tính toán lại chiến lược tăng cường năng lượng tái tạo như điện gió hay Trung Quốc cũng cần xem xét lại lộ trình cắt giảm điện than dưới tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Cuộc khủng hoảng khi nào sẽ chấm dứt?
Trên thực tế, Hoa Kỳ có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng khí tự nhiên tốt hơn nhiều nền kinh tế khác nhờ sự bùng nổ của ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến trong những năm vừa qua, giúp nước này có nguồn khí đốt dồi dào. Hoa Kỳ hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu khí tự nhiên lớn trên thế giới. Tuy nhiên, khu vực Châu Âu và Châu Á vốn phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu khí tự nhiên thì cuộc khủng hoảng này sẽ để lại những tác động sâu rộng.
Trong khi đó, một nhóm các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm tại Hoa Kỳ đã kiến nghị nước này cần có biện pháp hạn chế xuất khẩu hoặc tạm huỷ việc phê duyệt các yêu cầu xuất khẩu khí tự nhiên trong ngắn hạn nhằm giảm rủi ro thiếu hụt nguồn cung trong những tháng mùa đông tới đây.
Khí tự nhiên hiện chiếm đến 40% cơ cấu cung ứng điện của Hoa Kỳ và dữ liệu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cũng cho thấy mức dự trữ khí tự nhiên của 48 tiểu bang nước này đang thấp hơn mức trung bình 5 năm gần đây. Tính từ đầu năm đến nây, khối lượng khí LNG được Hoa Kỳ xuất khẩu đã tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu đề xuất hạn chế xuất khẩu khí LNG được Hoa Kỳ thông qua thì tình trạng hỗn loạn trên thị trường khí tự nhiên thế giới sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.
Sự thiếu hụt nguồn cung khí tự nhiên trên toàn cầu chủ yếu do vấn đề về cấu trúc. Khi hoạt động kinh tế phục hồi mạnh trở lại khiến nhu cầu sử dụng khí tăng vọt nhưng nguồn cung lại không phục hồi theo kịp. Công suất dự trữ của ngành khí đốt trên toàn cầu tương đối thấp. Sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ, các hãng cung ứng khí đốt lớn trên toàn cầu đã trở nên thận trọng hơn với việc mở rộng khai thác.
Bên cạnh đó, việc nhiệt độ những tháng đầu năm nay tại Châu Âu ở mức thấp kéo dài cùng với mùa hè vừa qua tại Bắc Bán Cầu nóng hơn thường lệ đã khiến nhu cầu sử dụng khí tự nhiên tăng vọt liên tục và các kho dự trữ không có đủ thời gian để kịp tái dự trữ cho mùa đông tới đây. Lượng tồn trữ khí tự nhiên tại hàng loạt quốc gia đã rơi xuống mức thấp bất thường. Điều này đã khiến nhiều quốc gia ồ ạt thu mua các lô khí giao ngay trong tháng 10, tháng 11 tới đây và đẩy giá khí tăng vọt.
Trong khi đó, nguồn cung khí tự nhiên trên toàn cầu bị suy yếu do những đợt gián đoạn khai thác không lường trước được từ Na Uy, Nga cũng như siêu bão Ida gây thiệt hại lớn với các cơ sở khai thác trên Vịnh Mexico của Hoa Kỳ. Tất cả những yếu tố trên đã cùng hội tụ để khiến một cuộc khủng hoảng khí tự nhiên bùng phát trên toàn cầu.
Có một tin tốt là một số chuyên gia dự báo giá khí đốt có thể sẽ sớm hạ nhiệt. Tuần trước, tập đoàn Bank of America cho rằng những yếu tố rủi ro đã được phản ánh quá mức vào giá khí tự nhiên, cho rằng giá nhiên liệu này sẽ giảm trong quý 4 và tiếp tục giảm trong năm 2022.
Giới quan sát đều nhận định giá khí LNG sẽ sớm xì hơi ngay khi các dấu hiệu cho thấy nhiệt độ mùa đông năm nay không quá khắc nghiệt. Nếu điều này xảy ra, các quốc gia vốn tăng cường thu mua các lô khí trong thời gian vừa qua có thể sẽ xả bán một phần kho dự trữ khí, giúp giảm bớt căng thẳng nguồn cung. Đồng thời, tâm lý thị trường sẽ bình ổn trở lại khi các rủi ro nguồn cung giảm xuống.
Việc giá khí tự nhiên và giá dầu tăng cao hiện nay là một sự nhắc nhở rằng thế giới vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hoá thạch và sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.