Citigroup: Giá khí LNG có thể đạt mức gây sốc 100 USD trong mùa đông tới

Tập đoàn tài chính Citigroup Inc. (Hoa Kỳ) vừa nâng gấp đôi dự báo giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) tại khu vực Châu Á và Châu Âu trong quý 1/2022, thậm chí đưa ra kịch bản gây sốc thị trường khi cho rằng giá khí LNG có thể tăng lên đến 100 USD/MMBtu nếu như mùa đông tới đây khắc nghiệt hơn thông thường.

Giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) trên toàn cầu đã liên tục tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay trong bối cảnh mức tồn trữ khí LNG tại hàng loạt quốc gia Châu Âu và Châu Á rơi xuống mức thấp, thúc đẩy xu hướng tăng cường mua vào các lô hàng giao ngay. Tuy nhiên, nguồn cung khí LNG trên thị trường lại đang ở mức thấp khiến nhiều nước phải cạnh tranh quyết liệt để đảm bảo nguồn cung.

Tính từ đầu tháng 9 đến nay, giá khí LNG giao ngay tại khu vực Đông Bắc Á hiện đã tăng gần 50% lên mức 30 USD/MMBtu; tại khu vực Châu Âu, giá mặt hàng này cũng đã tăng khoảng 40% lên 25 USD/MMBtu. Tại Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp đang kêu gọi nước này phải có biện pháp hạn chế xuất khẩu khí LNG nhằm chuẩn bị rủi ro nguồn cung trong những tháng mùa đông tới đây. Giá khí LNG tại Hoa Kỳ hiện cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 5 USD/MMBtu.

Giá khí tự nhiên hoá lỏng
 Diễn biến giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) thế giới trong 3 năm gần đây (Đồ hoạ: Bloomberg)

Theo Citigroup, trong kịch bản tồi tệ nhất, nhiệt độ những tháng mùa đông tới đây ở mức thấp hơn nhiều hơn so với thông thường sẽ khiến nhu cầu sử dụng khí LNG để sưởi ấm tăng vọt; đồng thời, các cơn bão tại khu vực Vịnh Mexico khiến nguồn cung khí LNG suy giảm hoặc đứt gãy. Điều này sẽ khiến giá khí LNG tăng vọt đến mức 100 USD/MMBtu tương đương mức 580 USD/thùng dầu.

Hiện tại hoạt động khai thác dầu thô và khí đốt tại khu vực Vịnh Mexico của Hoa Kỳ đang ở mức thấp hơn thông thường khi nhiều cơ sở khai thác tại đây vẫn đang phải khắc phục thiệt hại do siêu bão Ida gây ra từ hồi cuối tháng 8.

Trong khi đó, các quốc gia Đông Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc, liên tục thu mua các lô hàng khí LNG giao ngay trong tháng 10 và tháng 11 nhằm đảm bảo mức dữ trự. Mùa đông năm 2020, việc dự báo sai nhu cầu sử dụng khí LNG khi nhiệt độ khắc nghiệt hơn thường lệ đã khiến Trung Quốc rơi vào khủng hoảng thiếu nguồn cung khí đốt và đẩy giá khí LNG giao ngay tăng vọt.

Citigroup nhận định “Giá khí LNG thế giới sẽ còn tiếp tục vận động theo đường cong Parabol trong thời gian tới. Nhu cầu ở mức cao trong khi nguồn cung suy yếu khiến thị trường chịu áp lực lớn. Bất kỳ sự gia tăng đột ngột nào ở phía cầu hoặc sụt giảm ở phía cung sẽ đẩy giá mặt hàng này tăng vọt”.

Tuy nhiên, Citigroup cũng cho rằng đến quý 3/2022, giá khí LNG sẽ giảm mạnh 70% so với mức giá của mùa đông năm nay. Bên cạnh đó, việc giá khí LNG tăng cao cũng đang tạo hiệu ứng, kéo giá các loại năng lượng khác lên cao hơn. Chốt phiên giao dịch tuần này, giá dầu thô Brent đã phá ngưỡng 78 USD/thùng – chạm mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Dầu thô được Citigroup nhận định sẽ được sử dụng nhiều hơn thay cho khí LNG để sản xuất điện. Việc tăng cường sử dụng các loại dầu nhiên liệu để sản xuất điện cũng khiến giá naphtha, xăng, dầu diesel và dầu hoả tăng lên. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới nếu nhiệt độ giảm mạnh. Điều này sẽ khiến giá dầu thô Brent đạt mức 90 USD/thùng.

Quang Đặng