Trong phiên giao dịch sáng nay (28/9, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô thế giới lại quay đầu giảm trở lại do thị trường lo ngại việc gia tăng mạnh số ca nhiễm Covid-19 tại nhiều nền kinh tế lớn sẽ tác động tiêu cực đến sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô. Cụ thể, vào lúc 7h03 sáng nay, giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 8 cents tương ứng 0,2% xuống mức 41,84 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 13 cents tương ứng 0,3% xuống 40,12 USD/thùng.
Tính chung cả tuần trước (21 – 25/9), giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã giảm lần lượt 2,9% và 2,1%. Giá dầu thô thế giới đang hướng đến tháng giảm giá đầu tiên kể từ tháng 4/2020 – thời điểm thị trường dầu mỏ sụp đổ dưới các tác động của làn sóng lây nhiễm Covid-19 đợt 1. Hiện một số quốc gia đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển và phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lan của làn sóng lây nhiễm Covid-19 đợt 2.
Các chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn tài chính ANZ nhận định “Việc số ca nhiễm Covid-19 đang tăng mạnh tại hầu hết các tiểu bang của Hoa Kỳ khiến thị trường lo ngại các biện pháp hạn chế di chuyển sẽ được tái áp dụng trở lại, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô trong quý 4/2020”. Hoa Kỳ hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất toàn cầu.
Bên cạnh đó, giá dầu thô còn chịu áp lực giảm trong bối cảnh Iran và Libya đẩy mạnh xuất khẩu dầu mỏ bất chấp các nỗ lực của liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh như Nga trong việc giảm sản lượng khai thác để hỗ trợ thị trường. Iran và Libya hiện là thành viên của khối OPEC.
Trong ngày 27/9, Tổng thư ký khối OPEC Mohammad Barkindo cho biết lượng dầu thô thương mại tồn trữ tại các quốc gia thuộc khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong quý 1/2021 được dự báo sẽ cao hơn không đáng kể so với mức trung bình 5 năm và sau đó sẽ giảm xuống dưới ngưỡng này trong các quý còn lại của năm 2021.
Tại Nauy – một trong những quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất không thuộc khối OPEC, một cuộc đình công của công nhân khai thác dầu thô nước này có thể sẽ diễn ra kể từ ngày 30/9 tới đây. Theo Hiệp hội Dầu và Khí đốt Nauy (NOG), cuộc đình công này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu khai thác 900.000 thùng dầu thô/ngày của Nauy.
Bên cạnh đó, việc tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan gia tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2016 đã khiến thị trường lo ngại về sự bất ổn của khu vực Nam Kavkaz – nơi tập trung nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt đến các thị trường lớn trên thế giới.